Chờ...

Lễ hội đua ghe ngo lần 2 tại TPHCM: Giao thoa văn hóa và tinh thần dân tộc

TPHCM - Sáng 10/11, Lễ hội đua ghe ngo lần thứ 2 tại TPHCM sôi động, ngập tràn sắc màu và tinh thần dân tộc trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Ngay từ sáng sớm, không khí tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở nên náo nhiệt với tiếng trống, tiếng kèn vang vọng. Các đội đua đã tập trung đông đủ, chuẩn bị đội hình kỹ lưỡng cho cuộc tranh tài sắp tới. Trang phục rực rỡ sắc màu, những nụ cười và ánh mắt háo hức của từng thành viên tạo nên một bầu không khí phấn khởi và đầy năng lượng.

z6017876240225-52bfd4dfee49a1ec9086cadd99b5b18d_20241110132403
Màn tăng tốc của các ghe ngo trong tiếng rao hò của người dân ven kênh Nhiêu Lộc - Ảnh: Văn Phúc

Đội đua ghe ngo Chùa Siriavansa Thứ Ba, đến từ huyện An Biên, Kiên Giang, đã chuẩn bị chu đáo trước khi lên TPHCM tham dự.

Anh Danh Hệ, đại diện đội, cho biết cả đội đã dành nhiều tháng luyện tập chăm chỉ, từ kỹ thuật chèo đến rèn luyện thể lực, với mong muốn mang đến màn trình diễn tốt nhất và giành thứ hạng cao trong cuộc thi.

Còn với anh Danh Tâm, một tay đua giàu kinh nghiệm của đội Cần Thơ, dù đã nhiều lần thi đấu và giành cúp vô địch ở các giải đấu khác, nhưng lần đầu tham gia tại TPHCM vẫn khiến anh không khỏi hồi hộp.

Anh Tâm cho biết, hôm qua đội đã tập thử và đã sẵn sàng cho ngày thi đấu hôm nay. Các đội ở đây rất mạnh, với nhiều tay đua kỳ cựu. "Không biết thế nào, nhưng anh em cũng sẽ cố gắng hết sức. Mục tiêu là giành được giải vô địch tại Sài Gòn này" - Anh hào hứng cho biết.

Nhiều người dân từ các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, và Bình Dương, Cần Thơ đã tề tựu về TPHCM để cổ vũ cho các đội đua.

Ông Danh Linh, một người dân đến từ Kiên Giang, chia sẻ cảm xúc khi cùng gia đình đến cổ vũ cho đội nhà, Đây là lần thứ hai ông Linh đến TPHCM tham gia cổ vũ, cảm thấy rất hạnh phúc khi được hòa mình vào không khí lễ hội cùng đồng bào dân tộc mình.

Trong tiếng trống dồn dập và tiếng cổ vũ cuồng nhiệt, những chiếc ghe ngo lao vun vút trên mặt nước, tạo nên những màn tranh tài đầy kịch tính.

Mỗi cú đập mái chèo đều làm đám đông hò reo không ngớt, đặc biệt là khi các đội bứt phá gần đến đích, khiến khán giả không khỏi hồi hộp và phấn khích.

Không chỉ có du khách từ các tỉnh, người dân TPHCM cũng nô nức đến cổ vũ cho các đội đua. Bà Nguyễn Thị Vinh, cư dân Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, chia sẻ rằng dù đã lớn tuổi, bà và các cô chú trong khu phố vẫn rất hào hứng với lễ hội đua ghe lần này.

Bà Vinh cho biết lễ hội đua thuyền sông nước mang đậm nét văn hóa miền Nam, rất có ý nghĩa: "Cô mong muốn là miền Nam, nơi biểu trưng của sông nước, sẽ có những lễ hội như thế này để phát triển mạnh mẽ về thuyền ghe, sông nước, và du lịch".

Theo bà Vũ Thị Mỹ Ngọc, Phó Chủ tịch UBND Quận 3 - Trưởng ban tổ chức, Lễ hội đua ghe ngo lần thứ 2 năm nay đã thu hút đông đảo người tham gia nhờ nhiều điểm mới như tăng số lượng đội đua từ 9 lên 12, bổ sung vòng loại và thêm các chương trình biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, ẩm thực đặc sắc.

z6017876307899-0079b95b1b9850a66e26221e23609624_20241110132404
Nhiều hoạt động giới thiệu về văn hóa dân tộc Kh'mer cũng được tổ chức nhân lễ hội - Ảnh: Văn Phúc.

Bà Ngọc nhấn mạnh, Lễ hội đua ghe ngo không chỉ là một sân chơi thể thao, mà còn là cơ hội để TPHCM tôn vinh văn hóa của đồng bào Khmer. Qua đó góp phần thúc đẩy tình đoàn kết giữa các dân tộc và lan tỏa giá trị văn hóa của cộng đồng Khmer đến đông đảo người dân và du khách.

Lễ hội đua ghe ngo lần thứ 2 tại TPHCM khép lại trong tiếng reo hò vang dội của hàng ngàn khán giả. Những chiếc ghe lao nhanh về đích trong niềm vui của các đội đua và sự cổ vũ nồng nhiệt từ người xem. Không khí sôi động, tràn đầy sắc màu văn hóa đã biến lễ hội thành một sự kiện đáng nhớ cho người dân thành phố.

Phần thưởng cao quý nhất năm nay thuộc về đội Siriavansa Thứ Ba đến từ An Biên, Kiên Giang.

z6017876255966-27fa224e72ead49511a89b284c7b5212_20241110132401
Lễ hội đua ghe ngo lần thứ 2 tại TPHCM khép lại trong tiếng reo hò vang dội của hàng ngàn khán giả - Ảnh: Văn Phúc.

Lễ hội khép lại không chỉ mang đến cho các đội thi và người tham gia những kỷ niệm đẹp, mà còn lan tỏa tinh thần đoàn kết, kết nối cộng đồng, tôn vinh và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer trong lòng người dân TPHCM.