NHNN cho biết, số lượng giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng ghi nhận trong 2 ngày đầu thực hiện Quyết định 2345 là 8,24%.
Các ngân hàng cho biết, giao dịch của khách hàng vẫn được thông suốt và mọi vướng mắc (nếu có, bao gồm khi quét NFC) đang được các nhà băng nỗ lực xử lý, đồng hành cùng khách hàng.
NHNN cho biết, việc yêu cầu xác thực sinh trắc học khuôn mặt đối với giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên/lần sẽ không làm gián đoạn trải nghiệm của khách hàng khi giao dịch.
Theo thống kê của NHNN, giao dịch 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm 11% giao dịch và nhiều trường hợp một người thực hiện nhiều giao dịch nên tổng số người giao dịch hạn mức này không đến 10%. Tổng số người có giao dịch trên 20 triệu trong 1 ngày cũng chưa đến 1%.
Trong khi đó, có khoảng 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), để triển khai Quyết định 2345, đòi hỏi các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán cần rất nhiều nguồn lực, vật lực và nhân lực.
Tuy nhiên, với trách nhiệm cộng đồng, xã hội, các tổ chức tín dụng đã và đang rất nỗ lực để giảm thiểu rủi ro gian lận, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán cho khách hàng.
Thực tế phát sinh những tình huống như: khách hàng chưa có căn cước công dân gắn chip; điện thoại không có chức năng NFC; nghẽn mạng hoặc hệ thống không nhận diện được khách hàng… tất cả những điều này gây “tâm lý khó chịu” nhất định thường gặp từ phía khách hàng khi thực hiện một hoạt động nào “có tính chất mới".