Ngôi nhà hạnh phúc: tấm lòng mùa dịch!

(VOH) - Một ký túc xá mini có tên “Ngôi nhà hạnh phúc” miễn phí dành cho các sinh viên nữ đặc biệt khó khăn vừa được Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật TPHCM đưa vào sử dụng.

Đây là công trình hết sức nhân văn của một trường đại học, dưới sự đóng góp của các giảng viên, cựu sinh viên, các mạnh thường quân chung tay xây dựng. Ký túc xá được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, giường, quạt, bếp, vật dụng phục vụ sinh hoạt, camera quan sát phục vụ an ninh…

Dự kiến, Trường sẽ cải tạo khu đất kế bên ký túc xá, tạo điều kiện hỗ trợ các sinh viên nữ khởi nghiệp.

Thầy Đỗ Văn Dũng - Nguyên Hiệu trưởng Trường cùng các sinh viên tại Ngôi nhà hạnh phúc
Thầy Đỗ Văn Dũng - Nguyên Hiệu trưởng Trường cùng các nữ sinh viên tại Ngôi nhà hạnh phúc - Ảnh Trường ĐH SPKT TPHCM

Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nhiều hoàn cảnh, khó khăn càng khó khăn hơn. Nhà có 5 chị em, ở quê trồng khoai mì do ảnh hưởng của dịch nên không bán được. Mẹ thì đi bán vé số tận Long An, rồi cũng do dịch, nên phải nghỉ. Đó là hoàn cảnh của sinh viên Trương Thị Kim Thoa, sinh viên năm nhất ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM.

Điều may mắn, là em được ở tại Ngôi nhà hạnh phúc. Vừa mới đây, khi thầy Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ghé thăm ký túc xá, biết được hoàn cảnh thiếu thốn của em, thầy đã kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân. Một cựu sinh viên ngay lập tức gửi tặng em laptop mới. Chiếc laptop này cho Thoa sử dụng, sau này em trao lại cho các sinh viên nghèo.

Chưa hết, hay tin Kim Thoa bị đau dạ dày liên tục mấy tháng qua mà không có tiền chữa trị, một cán bộ đoàn trường gửi tặng em mật ong, bột nghệ. Xúc động trước những tấm lòng mọi người dành cho mình, Kim Thoa bày tỏ: “Em ở đây miễn phí cùng với các chị, bạn, được nhà trường hỗ trợ rất nhiều. Ký túc xá ở cạnh trường nên việc đi lại rất dễ dàng. Em thấy mình được ở như vầy là rất tốt.”

Đỗ Thị Thanh Mai - Trưởng ngôi nhà, là sinh viên năm 3, ngành Thương mại điện tử Khoa Kinh tế cho hay, nhà trường rất quan tâm đến tình hình ăn ở, học tập, sức khỏe của các sinh viên tại ký túc xá. Lo sinh viên thiếu gạo, các anh chị ở Trung tâm dịch vụ Sinh viên, Đoàn trường lại gọi, nhắc các sinh viên qua Trường nhận về cho ký túc xá. 

Với các thành viên trong Trường, nhất là với anh Đặng Bá Ngoạn, Phó Bí thư đoàn Trường, “Ngôi nhà hạnh phúc” giống như một gia đình nhỏ và quan tâm nhau như những người thân ruột thịt: 

“Mình gặp các em từ đầu, gọi là phỏng vấn nhưng chủ yếu là tâm sự, trao đổi để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh. Mình cũng có cơ hội để hiểu các em nhiều hơn, sắp xếp cuộc sống ở ký túc xá cho các em. Chọn người làm trưởng ngôi nhà, giao nhiệm vụ.

Mình cũng quan tâm nhắc nhở các việc ở trong nhà: chuyện đi học như thế nào, nhà cửa ra sao…. Bên đó có gì hư cũng gọi cho mình, mình nhờ thầy cô trong trường qua hỗ trợ cho các em”, anh Đặng Bá Ngoạn nói.

Về lý do ra đời Ngôi nhà hạnh phúc cho các sinh viên nữ, thầy Dũng cho biết: "Nhà trường có một khu đất, là trạm điện cũ của Chính phủ Đức tài trợ, để không nên cỏ mọc um tùm. Nhà trường kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ để làm một ký túc xá mini dành cho nữ sinh viên. Sở dĩ có yếu tố nữ ở đây là nhằm khuyến khích các em nữ, theo nguyên tắc bình đẳng giới, vào học các ngành kỹ thuật.

Ký túc xá này không những giúp đỡ sinh viên, mà còn tạo nền tảng cho các em khởi nghiệp nữa. Vì khu đất xung quanh ký túc rất rộng, nhà trường có thể hỗ trợ cho các em khởi nghiệp, buôn bán làm ăn, giao hàng…còn hơn là để các em đi làm thêm, nhiều nguy cơ tiềm ẩn vào ban đêm”. 

Công trình nhăn văn trên, xuất phát từ triết lý giáo dục của Trường là: nhân bản - sáng tạo - hội nhập.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng chia sẻ thêm, chữ “Nhân bản” được nhà trường đặt lên hàng đầu. Vì vậy trong những năm vừa qua, gần như tất cả hoạt động, giải pháp của nhà trường đều hướng đến trả lời cho câu hỏi “làm thế nào cho sinh viên bớt khổ”.

Bên cạnh Ngôi nhà hạnh phúc, Trường hiện có “Góc sẻ chia” là một góc nhỏ, dành cho sinh viên khó khăn cần thứ gì, có thứ đó, từ sách vở, quần áo, xe đạp, thức ăn…hoàn toàn miễn phí; Khu nghỉ trưa bằng võng có máy lạnh cho sinh viên; Các chuyến xe miễn phí đưa đón sinh viên nhập học từ bến xe về tận trường; Quỹ máy tính cho sinh viên; Tặng xe đạp cho sinh viên khó khăn….tất cả đều hướng về triết lý nhân bản mà trường đã xác định.