Đây là một trong hàng chục vụ xử lý ong vò vẽ mà lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH thực hiện trong thời gian gần đây.
Chiều ngày 8/12, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TPHCM nhận tin báo của người dân về việc có 1 tổ ong vò vẽ lớn trên mái tôn nhà dân tại ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Nhận tin báo, Phòng PC07 đã điều động Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Bình Chánh cùng Đội Công tác CC&CNCH của Phòng điều nhiều xe chuyên dụng và 27 cán bộ chiến sĩ có mặt tại hiện trường.
Tổ ong có đường kính dài gần 1 mét bám vào nhánh cây bàng. Lực lượng nhận định buổi tối ong sẽ về tổ nên việc xử lý vào ban đêm sẽ hiệu quả hơn vào ban ngày. Đến 19 giờ 40 việc xử lý hoàn tất, tổ ong vò vẽ được di dời đến nơi an toàn để tiêu huỷ.
Trước đó, vào ngày 23/11, hơn chục cảnh sát PCCC cũng được huy động để xử lý tổ ong có đường kính gần một mét, nằm trên ngọn cây dầu cổ thụ tại khu vực sân khấu Thảo Cầm Viên.
Xem thêm: Cảnh sát mặc đồ bảo hộ xử lý tổ ong vò vẽ ở độ cao hơn 30m trong Thảo Cầm Viên (TPHCM)
Ong vò vẽ (tên khoa học là Vespa affinis) có bụng thon, khoang đen xen kẽ màu vàng. Chúng có đầu rộng bằng ngực, có nhiều nốt rỗ lấm chấm nhỏ, lông tơ cứng, ngắn và thưa.
Ong vò vẽ thường làm tổ lộ thiên, trên cành cây, bụi cây hoặc trong mái nhà. Tổ ong gồm nhiều lớp, hình dáng như trái banh hay bắp cải, bề mặt nhăn nên dân gian thường gọi là ong mặt quỷ.
Nọc ong vò vẽ chứa nhiều độc tố như Melittin, Phospholipase A, B, Hyaluronidase, Histamine, Serotonine, Acetylcholine, Acide phosphatase, Apamin. Những độc tố này khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương thận, gan, hủy cơ, tán huyết, rối loạn đông máu, tổn thương phổi gây suy hô hấp.
Bộ phận gây độc của ong gồm túi nọc và ngòi nằm ở phần bụng sau. Liều độc phụ thuộc nhiều vào loại ong và số vết đốt trên người. Người lớn bị ong vò vẽ đốt từ trên 30 vết trở lên được xem là nặng. Trẻ em rơi vào tình trạng nặng nếu bị từ trên 10 nốt đốt. Độc tố của ong có thể gây tử vong sau 15 phút.
Ong vò vẽ thường bị thu hút bởi màu sặc sỡ, nước hoa. Đặc biệt, chúng sẽ đuổi theo những người, động vật bỏ chạy sau khi chọc phá tổ ong. Do đó, việc xử lý tổ ong cần hết sức cẩn trọng.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TPHCM, khác với ong mật hoặc ruồi, ong vò vẽ chích có thể khiến người bất tỉnh té trên cây cao. Vì vậy, việc xử lý tổ ong thường được lực lượng triển khai khi trời tối để ong không thấy người và bay tới đốt.
Khi phát hiện tổ ong vò vẽ, người dân không nên đến gần ném, phá hay lấy que chọc vào chúng. Tại khu vực sống, người dân nên phát quang cây cối, những tổ ong xung quanh nhà, trong vườn. Đặc biệt, đối với những tổ ong có kích thước lớn, người dân không nên tự xử lý mà cần liên hệ lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH để được hỗ trợ xử lý kịp thời.