Ngày 27/5, đơn vị tổ chức chuyến leo núi Seven Summit Treks thông báo ông Kami Rita Sherpa, 55 tuổi, đã đặt chân lên đỉnh Everest lần thứ 31. Thành tích phi thường này được lập hơn 30 năm sau lần chinh phục đầu tiên của ông vào năm 1994.
“Không cần giới thiệu thêm về Kami Rita. Ông là biểu tượng toàn cầu của Everest và là niềm tự hào của Nepal”, đại diện công ty tổ chức chia sẻ.
Đáng chú ý, ông không chỉ leo đỉnh một mình mà còn dẫn đầu đoàn leo núi thuộc quân đội Ấn Độ, đưa tất cả thành viên cùng chạm tay vào đỉnh núi cao nhất hành tinh.
Dù sở hữu kỷ lục thế giới, người đàn ông này luôn giữ thái độ khiêm tốn. Ông từng nói:
“Tôi chỉ đang làm công việc của mình. Tôi vui vì lập được kỷ lục, nhưng rồi kỷ lục sẽ bị phá. Điều khiến tôi tự hào hơn cả là việc Nepal được cả thế giới biết đến nhờ leo núi”.
Người đàn ông Everest – biệt danh mà bạn bè và cộng đồng leo núi đặt cho ông – được giới chức Nepal ca ngợi là nhân vật góp phần nâng tầm du lịch mạo hiểm của quốc gia. Theo ông Himal Gautam, giám đốc bộ phận leo núi của Bộ Du lịch Nepal:
“Kỷ lục của ông Kami Rita đã đưa hình ảnh leo núi Nepal lên tầm cao mới.”
Cùng ngày, một nhà leo núi Nepal khác, Tashi Gyalzen Sherpa, 29 tuổi, cũng lập thành tích hiếm có: leo đỉnh Everest 4 lần chỉ trong 15 ngày, lần gần nhất vào ngày 23-5.
“Dù rất khó khăn, tôi đã làm được. Trước đây có người từng leo Everest nhiều lần, nhưng chưa ai làm điều này chỉ trong một mùa leo”, anh chia sẻ khi trở về thủ đô Kathmandu trong vòng tay người thân và người hâm mộ.
Mùa leo núi xuân năm nay tại Everest sắp kết thúc với hơn 500 người chạm đỉnh kể từ khi thời tiết thuận lợi. Đáng mừng, số người thiệt mạng giảm mạnh, chỉ ghi nhận 2 trường hợp tử vong – một người Philippines và một người Ấn Độ.
Nepal – quốc gia có 8 trong số 10 ngọn núi cao nhất thế giới – đã cấp hơn 1.100 giấy phép leo núi trong mùa này, riêng Everest là 458 giấy phép, thu về hơn 5 triệu USD từ phí bản quyền leo núi.