Bệnh nhân 31 tuổi đã uống hết một chai rượu tequila 500ml và hai ly shochu, một loại rượu mạnh của Nhật Bản trong khi tiệc tùng tại một hộp đêm ở Izunokuni, Nhật Bản.
Anh này ngất đi và được đưa đến bệnh viện. Tại đây, các xét nghiệm cho thấy, anh ấy đang trong tình trạng "hôn mê sâu" và có lượng dịch nguy hiểm trong phổi.
Các bác sĩ đã cho anh thở máy để ngăn anh ngạt thở do chất lỏng mà họ nghi ngờ là chất nôn mà anh đã nuốt phải.
Bệnh nhân là chủ hộp đêm nhưng khỏe mạnh và không nghiện rượu.
Sau khi được đưa đến bệnh viện, anh được chấm điểm E1V1M1 theo thang điểm hôn mê Glasgow, được sử dụng để đo mức độ ý thức của một người sau chấn thương đầu.
Điểm số này có nghĩa là mắt của anh không mở, ngay cả khi bị kích thích, anh không nói, rên rỉ hoặc phát ra bất kỳ âm thanh nào và anh không cử động chân tay hoặc bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể để đáp lại mệnh lệnh hoặc kích thích gây đau như bị véo.
Huyết áp và nhịp tim của anh này bình thường, nhưng anh bị khó thở và hạ thân nhiệt. Lưỡi của anh cũng cản trở đường thở và có tiếng lạo xạo phát ra từ phổi, cho thấy có chất lỏng ở đó. Có lẽ là do anh nôn trong lúc bất tỉnh, khiến thức ăn trong dạ dày trào vào phổi.
Các bác sĩ điều trị cho người đàn ông tại Bệnh viện Juntendo Shizuoka ở Nhật Bản cho biết: 'Hậu quả chính đe dọa tính mạng của tình trạng ngộ độc cấp tính với nồng độ cồn trong máu cao là suy hô hấp. Trong những tình trạng này, tình trạng ngộ độc cũng làm giảm độ nhạy cảm của đường thở và phản xạ chặn dị vật, làm tăng nguy cơ hít phải'.
Đến ngày thứ hai, người đàn ông tỉnh lại và chức năng phổi được cải thiện, cho phép các bác sĩ tháo ống thở. Sau đó anh được xuất viện.
Báo cáo ca bệnh này đã được công bố trên Tạp chí Medical Case Reports.
Rượu được coi là loại ma túy bị lạm dụng nhiều nhất, với 16,3 triệu người lớn ở Hoa Kỳ báo cáo sử dụng nhiều rượu trong tháng trước. Khoảng một trong 5 người lớn cho biết, đôi khi họ uống nhiều hơn mức họ nghĩ mình nên uống. Điều này phổ biến hơn ở nam giới so với phụ nữ.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, không có lượng rượu nào là an toàn hoặc tốt cho sức khỏe.
Một nghiên cứu được tiến hành tại Anh cho thấy, ngay cả những người Anh được xếp vào nhóm người uống rượu ít nguy cơ cũng có nguy cơ tử vong vì ung thư cao hơn 11% so với những người "thỉnh thoảng uống rượu".
Những người ở các khu vực nghèo hơn thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn, có nguy cơ tử vong vì ung thư cao hơn 25% và nguy cơ tử vong nói chung cao hơn 14%.