Nghiên cứu từ OpenAI và MIT Media Lab cho thấy, chỉ một số ít người dùng tương tác về mặt cảm xúc với ChatGPT, nhưng những người thực sự tương tác lại nằm trong số những người dùng công cụ này nhiều nhất.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người dùng tham gia vào các cuộc trò chuyện cá nhân biểu lộ cảm xúc nhiều nhất với chatbot có xu hướng trải qua cảm giác cô đơn cao hơn - mặc dù không rõ liệu điều này là do chatbot gây ra hay vì những người cô đơn đang tìm kiếm sự gắn kết về mặt cảm xúc.

Dù các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, các nghiên cứu này chỉ mang tính sơ bộ, nhưng họ đặt ra những câu hỏi cấp thiết về cách các công cụ chatbot AI đang ảnh hưởng đến cuộc sống thực tế của mọi người như thế nào.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người "gắn bó" với ChatGPT - thường nằm trong top 10% về thời gian sử dụng công cụ này - có nhiều khả năng cảm thấy cô đơn và phụ thuộc vào công cụ này hơn những người khác.
Các nhà nghiên cứu đã thiết lập một bức tranh phức tạp về tác động. Ban đầu, chatbot dựa trên giọng nói có vẻ giúp giảm bớt sự cô đơn so với chatbot dựa trên văn bản, nhưng lợi thế này bắt đầu mất đi khi mọi người sử dụng chúng nhiều hơn.
Sau khi sử dụng chatbot trong 4 tuần, những người tham gia nghiên cứu là nữ ít có khả năng giao lưu với mọi người hơn so với những người tham gia là nam.
Những người tương tác với chế độ giọng nói của ChatGPT có giới tính trái ngược với giới tính của họ - có mức độ cô đơn cao hơn đáng kể và phụ thuộc nhiều hơn về mặt cảm xúc vào chatbot vào cuối thử nghiệm.
Trong nghiên cứu đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thực tế từ gần 40 triệu tương tác với ChatGPT, sau đó hỏi 4.076 người dùng đã có những tương tác đó về cảm nhận của họ.
Đối với nghiên cứu thứ hai, Media Lab đã tuyển dụng gần 1.000 người tham gia thử nghiệm kéo dài 4 tuần để xem xét cách những người tham gia tương tác với ChatGPT trong tối thiểu 5 phút mỗi ngày. Sau đó, những người tham gia hoàn thành một bảng câu hỏi để đo lường cảm giác cô đơn, mức độ tương tác xã hội và sự phụ thuộc về mặt cảm xúc của họ vào bot.
Tiến sĩ Theodore Cosco, một nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford cho biết, nghiên cứu này đã nêu lên "những lo ngại chính đáng về việc sử dụng chatbot quá mức", mặc dù ông lưu ý rằng nó "mở ra cánh cửa cho những khả năng thú vị và đáng khích lệ".
“Ý tưởng rằng các hệ thống AI có thể cung cấp hỗ trợ có ý nghĩa - đặc biệt là đối với những người có thể cảm thấy bị cô lập - rất đáng để khám phá. Tuy nhiên, chúng ta phải suy nghĩ kỹ và có chủ đích trong cách tích hợp các công cụ này vào cuộc sống hàng ngày”.