Giới trẻ nghĩ gì về hiện tượng “Phông bạt” – vỏ bọc hào nhoáng trên mạng?
Sự thực đằng sau những bức ảnh lung linh, cuộc sống sang chảnh đó là gì? Người trẻ đang sống cho mình hay sống để được công nhận?
Khi hiện tượng “phông bạt” trở thành xu hướng
Từ việc mượn đồ hiệu như: Túi xách, quần áo… để chụp hình, check-in tại các quán cà phê sang trọng, cho đến vay tiền để mua sắm những món đồ xa xỉ – tất cả để đổi lại vài một vài “ tấm ảnh hoàn hảo” trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, một số bạn trẻ còn đầu tư cả thời gian và tiền bạc để dàn dựng một “cuộc sống mơ ước” để đăng trên tiktok để vì vài lượt like ảo, thực tế đằng sau đó thì hoàn toàn trái ngược.
Bạn Ngọc Linh (Sinh viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: “Mình từng mượn đồ của bạn để đi chụp hình, chỉ để có 2 tấm hình capcut đăng lên story. Nhưng hiện tại thì mình thấy mình đang sống trong một ‘môi trường ảo’, lúc nào cũng phải giữ hình tượng trên mạng.”

Vì sao giới trẻ chọn phông bạt?
Nhiều bạn trẻ thừa nhận rằng, trong thời đại phát triển thời nay “ai cũng đẹp, ai cũng thành công” trên mạng, không thể hiện mình làm họ cảm thấy tụt hậu, thua kém, không chạy theo thời đại.
Một số bạn còn xem mạng xã hội là nơi để “xây dựng thương hiệu cá nhân”, càng lung linh càng được chú ý nhiều.
Bạn Nguyễn Tuyết (Sinh viên cao đẳng Kinh tế Đối ngoại – Quận 9) nói: “Nếu không update gì đó nổi bật thì không ai chú ý đến mình”
Theo ThS. Huỳnh Giao – giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành:
“Hiện tượng phông bạt đáng lo ngại khi nó khiến người trẻ đánh mất bản thân hoặc chạy theo hình ảnh không thực tế. Điều này có thể gây áp lực tâm lý, tự ti, hoặc lệ thuộc vào sự công nhận từ người khác. Tuy nhiên, nếu sống ảo chỉ là cách sáng tạo, thể hiện góc nhìn cá nhân mà vẫn giữ được sự chân thật, thì không đáng lo.”
Sự khác biệt giữa “trên mạng” và “đời sống hiện thực”
Trên mạng, có thể bạn là người chỉn chu, lạc quan, thành công. Nhưng ngoài đời, không ít bạn trẻ đang phải vật lộn với áp lực học tập, tài chính, gia đình hay đơn giản là cảm giác cô đơn.
Bạn Minh Khoa (sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Huflit) chia sẻ: “Mình lướt mạng thấy một bạn nữ trên mạng rất sang chảnh, nhưng khi gặp ngoài đời mình khá bất ngờ vì mọi thứ hoàn toàn không như vậy. Mình nhận ra, đôi khi mạng xã hội là nơi mọi người chỉ chọn lọc để đăng những gì đẹp nhất và hoàn hảo.”

Hệ lụy của việc sống sau vỏ bọc
Khi “sống ảo – phông bạt” trở thành một thói quen, nhiều người trẻ bắt đầu cảm thấy áp lực phải giữ hình ảnh sợ mọi người thấy mình ở ngoài đời, phải “diễn” mỗi lần xuất hiện trên mạng mà quên mất bản thân mình muốn gì. Điều này dần khiến họ quên mất đi cuộc sống hiện tại, sống lệ thuộc vào lượt like, lượt chia sẻ.
Bạn Thùy Linh (Sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành) thừa nhận: “Nhiều lúc mình không dám đăng ảnh mặt mộc vì sợ bạn bè mọi người chê xấu. Mỗi lần đăng hình là phải chỉnh sửa. Mình cảm thấy mệt khi cứ phải sống mãi như vậy.”
“Vỏ bọc” hay “bản chất thật” – bạn chọn gì?
Mạng xã hội chỉ là công cụ để kết nối và thể hiện cá tính, không phải là chuẩn mực sống. Phông bạt không hẳn là xấu – miễn là bạn nhận thức rõ được việc làm đẹp cho hình ảnh cá nhân và việc đánh mất chính mình sao cho phù hợp và không quá lạm dụng vào nó.
ThS. Huỳnh Giao - giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng:
“Giới trẻ cần xác định rõ giá trị cốt lõi của mình và chia sẻ nội dung phản ánh đúng con người thật. Thay vì chạy theo xu hướng, hãy tập trung vào hành trình cá nhân. Mạng xã hội chỉ là công cụ, không phải thước đo giá trị. Sống thật không chỉ giúp các bạn tự tin mà còn tạo nên dấu ấn riêng, bền vững trong thế giới số.”

Không thể phủ nhận rằng, mạng xã hội là nơi để chúng ta kết nối, chia sẻ và truyền cảm hứng với mọi người xung quanh.
Đừng biến nó trở thành áp lực hay gánh nặng bởi sự hào nhoáng đó vì sống thật không khó – quan trọng là bạn có đủ can đảm để gạt bỏ lớp hào nhoáng bên ngoài, và lựa chọn sống đúng với giá trị thật của bản thân hay không.