Cả cảm lạnh thông thường và cúm đều là bệnh nhiễm virus, có nghĩa dùng thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị không hiệu quả.
Theo Bệnh viện Trung tâm thuộc Trung tâm Y tế và Sức khỏe Toàn cầu Quốc gia ở Tokyo, điều tương tự cũng đúng với chứng đau họng hoặc sổ mũi.
Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát trực tuyến với 500 người, gần 67% phụ huynh có con ở độ tuổi mẫu giáo cho biết, họ tin rằng thuốc kháng sinh có thể chống lại virus, trong khi khoảng 56% cho biết thuốc kháng sinh có thể chữa khỏi cảm lạnh.
Trong một cuộc khảo sát riêng, khoảng 63% người từ 15 tuổi trở lên tin rằng thuốc kháng sinh có thể chữa khỏi bệnh nhiễm virus.
Cúm, cảm lạnh và Covid-19 là ba loại virus hàng đầu mà nhiều người cho rằng, thuốc kháng sinh có thể điều trị được.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, họ lo ngại về tình trạng kháng kháng sinh, vốn được nhiều chuyên gia y tế coi là “đại dịch thầm lặng”.
Chính phủ đã vạch ra một kế hoạch hành động 5 năm nhằm giải quyết vấn đề này, đặt mục tiêu giảm 15% việc sử dụng kháng sinh hàng ngày trên 1.000 người so với mức của năm 2020.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc lạm dụng thuốc kháng sinh là những yếu tố chính dẫn đến sự phát triển của mầm bệnh kháng thuốc, khiến việc điều trị bệnh nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn hoặc không thể điều trị được.
Kháng kháng sinh được ghi nhận là một trong những mối đe dọa hàng đầu trên toàn cầu đối với sức khỏe con người trong thế kỷ 21 do sự lan rộng vi khuẩn kháng thuốc từ nước này sang nước khác
Năm 2016, trên toàn cầu có 490.000 người đã phát triển bệnh lao đa kháng thuốc và kháng thuốc đang bắt đầu làm phức tạp cuộc chiến chống lại HIV và sốt rét.
Klebsiella pneumoniae – một loại vi khuẩn đường ruột phổ biến có thể gây nhiễm trùng đe dọa đến tính mạng đã kháng với kháng sinh carbapenem, xảy ra ở tất cả các vùng trên thế giới.
Ở một số quốc gia, do kháng thuốc, kháng sinh carbapenemtrên đã không điều trị được trên 50% bệnh nhân nhiễm K. pneumoniae. Theo ước tính, số người tử vong do kháng kháng sinh sẽ lên đến 10 triệu vào năm 2050.