Theo dữ liệu của Bộ Môi trường Nhật Bản, tổng cộng có 109 người bị thương, trong đó có 2 người tử vong, trong khoảng thời gian từ tháng 4 – 9/2023, chủ yếu ở phía bắc đảo chính Honshu của Nhật Bản. Con số này cao nhất cùng kỳ kể từ năm 2007 - khi chính phủ bắt đầu thống kê.
Kỷ lục hiện tại về số người bị thương do động vật hoang dã cao nhất (bao gồm gấu đen châu Á và gấu nâu Ussuri) là 158 người trong năm 2020.
Theo dữ liệu sơ bộ công bố vào đầu tháng 10, tỉnh Akita có nhiều nạn nhân nhất, với 28 người, tiếp theo là Iwate và Fukushima với lần lượt 27 và 13 người bị gấu tấn công.
Vào ngày 18/10, một người phụ nữ được phát hiện đã chết trong vụ nghi bị gấu tấn công ở thành phố Toyama, miền trung Nhật Bản.
Trong số những vụ gấu hoang dã tấn công xảy ra gần đây vào tháng 10, có hai người ở độ tuổi 60 đã bị tấn công ở tỉnh Akita. Một phụ nữ bị thương khi bước ra khỏi ô tô trên đường ở Kazuno, trong khi một người đàn ông bị thương trong rừng núi ở Odate.
Trong khi đó, 4 người đã bị tấn công tại một khu dân cư của thành phố Akita. Theo một chuyên gia, khu vực được bao quanh bởi các con sông này mà có gấu xuất hiện là rất bất thường.
Hơn một nửa số nạn nhân ở tỉnh Iwate bị tấn công trong hoặc gần nơi ở của con người, trong đó khoảng một nửa bị thương nặng.
Bộ phận bảo tồn thiên nhiên của chính quyền tỉnh Iwate cho biết, khoảng 20% nạn nhân đã thực hiện các biện pháp bảo vệ chống lại gấu, chẳng hạn như đeo chuông gấu.
Cơ quan này cho biết, các cuộc chạm trán với gấu có thể xảy ra “ở bất cứ đâu” và kêu gọi mọi người thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp và cảnh giác.
Chính quyền địa phương cho biết, nguyên nhân dẫn đến số lượng các cuộc ‘chạm trán’ với gấu năm nay cao bất thường có thể là do số lượng gấu con tăng lên do chế độ ăn của chúng gồm hạt sồi và quả sồi rất dồi dào vào năm ngoái.
Ngoài ra, năm nay mùa hạt kém, buộc gấu phải mạo hiểm đến những khu vực rộng lớn hơn, bao gồm cả những khu vực gần môi trường sống của con người, để tìm kiếm thức ăn khi chúng chuẩn bị ngủ đông.