Nhịp Sống Khỏe 12/03: bỏng nặng vùng kín do điện thoại phát nổ | Lấy pin cúc áo kẹt trong thực quản

VOH - Cứu sống bệnh nhân người Lào bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng;Chụp ảnh ở bãi đá sông Hồng, cô gái ngã vỡ gan, thận, gãy xương hàm...là các tin nổi bật khác.

Người đàn ông bị bỏng nặng vùng kín nghi do điện thoại phát nổ

Một người đàn ông tại Nghệ An bị bỏng nặng vùng kín và hai chân, nghi do điện thoại phát nổ trong túi quần. Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Tương Dương, vào sáng 11/3, bệnh nhân được sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để tiếp tục điều trị.

Nạn nhân là anh L.V.G. (31 tuổi, trú tại xã Tam Thái, huyện Tương Dương). Tối 10/3, sau khi dự tiệc cưới và uống rượu, anh G. để điện thoại và bật lửa trong túi quần khi đi bộ về nhà. Trên đường di chuyển, một tiếng nổ bất ngờ phát ra từ túi quần, gây bỏng nghiêm trọng.

Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị bỏng nặng ở nhiều mức độ (độ 3, 4, 5). Do tình trạng quá nghiêm trọng, gia đình đã xin chuyển anh G. ra Viện Bỏng Quốc gia để điều trị. Cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân có thể do điện thoại phát nổ, nhưng vẫn cần điều tra thêm.

Người đàn ông bị bỏng nặng vùng kín nghi do điện thoại phát nổ- Ảnh 1.
Anh G. bị bỏng nửa người được các bác sĩ cấp cứu. Ảnh: SK&ĐS

Cứu sống bệnh nhân người Lào bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An vừa cứu sống bệnh nhân Aloun Sack (SN 1979, quốc tịch Lào) trong tình trạng nguy kịch do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm trùng tiết niệu và viêm phổi ARDS.

Bệnh nhân nhập viện ngày 25/02 trong trạng thái lơ mơ, huyết áp tụt, thở nhanh nông. Trước đó, ông bị sốt, mệt mỏi và đã được sơ cứu tại bệnh viện tuyến huyện ở Lào trước khi chuyển sang Việt Nam. Nhận được đề nghị hỗ trợ từ Sở Ngoại giao tỉnh Bolikhamsai, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã khẩn trương hội chẩn và áp dụng các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu như thở máy, lọc máu liên tục kết hợp lọc máu hấp phụ, an thần, duy trì vận mạch liều cao và chăm sóc toàn diện.

Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân hồi phục tốt, cai máy thở, rút nội khí quản và được xuất viện ngày 11/3. Ca điều trị thành công khẳng định năng lực ứng dụng kỹ thuật cao của bệnh viện, mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân nguy kịch tại khu vực Bắc Trung Bộ và nước bạn Lào.

Bệnh nhân được thở máy nâng cao bảo vệ phổi, an thần, duy trì hai vận mạch liều cao, siêu lọc máu liên tục kết hợp lọc máu hấp phụ, chăm sóc toàn diện, dinh dưỡng qua sonde.
Bệnh nhân được thở máy nâng cao bảo vệ phổi, an thần, duy trì hai vận mạch liều cao, siêu lọc máu liên tục kết hợp lọc máu hấp phụ, chăm sóc toàn diện, dinh dưỡng qua sonde. Ảnh: SK&ĐS

Hồi hộp 3 giờ lấy pin cúc áo kẹt trong thực quản trẻ nhỏ

Bệnh viện Nhi Trung ương vừa cấp cứu thành công một ca hóc dị vật nguy hiểm khi bệnh nhi V.K.V (4 tuổi, Hà Nội) nuốt phải pin cúc áo.

Chiều ngày 8/3, bé V. vô tình nuốt pin và được gia đình đưa đến bệnh viện gần nhà. Chụp X-quang xác định dị vật mắc kẹt tại thực quản ngang mức xương đòn, bé lập tức được chuyển đến Bệnh viện Nhi Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ phát hiện vùng thực quản quanh viên pin đã loét, phù nề và chít hẹp, gây nguy cơ thủng thực quản. Sau 3 giờ nội soi phức tạp, ê-kíp bác sĩ đã lấy được pin mà không cần phẫu thuật mở, giúp bé tránh biến chứng nghiêm trọng.

Theo TS.BS Ninh Quốc Đạt, pin cúc áo khi vào đường tiêu hóa có thể sinh dòng điện, làm tăng nhanh pH, gây ăn mòn mạnh, dẫn đến nguy cơ thủng thực quản, động mạch chủ hoặc thậm chí tử vong chỉ trong vài giờ. Bệnh viện khuyến cáo phụ huynh cần đặc biệt cảnh giác với các vật dụng nhỏ có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Hồi hộp 3 giờ lấy pin cúc áo kẹt trong thực quản trẻ nhỏ- Ảnh 1.
Hình ảnh pin cúc áo qua phim chụp X-Quang. Ảnh: BVCC

Chụp ảnh ở bãi đá sông Hồng, cô gái ngã vỡ gan, thận, gãy xương hàm

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân N.T.A (1994, Hà Nội) bị chấn thương nghiêm trọng sau tai nạn tại bãi đá Sông Hồng. Khi đi chụp ảnh, do đường trơn ướt, cô gái trượt ngã và đập mạnh vùng bụng, mặt vào tảng đá, dẫn đến đa chấn thương gồm vỡ gan độ 3, vỡ thận phải độ 3, chấn thương ngực kín và gãy xương hàm dưới.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được điều trị bảo tồn gan, thận và chấn thương ngực kín. Các bác sĩ đã nắn chỉnh, cố định xương hàm bằng nẹp vít để phục hồi chức năng ăn nhai và thẩm mỹ. TS.BS Lê Diệp Linh khuyến cáo chấn thương hàm mặt có thể để lại nhiều di chứng nếu không được xử lý đúng cách. Người dân cần cẩn trọng khi tham gia các hoạt động ngoài trời, đặc biệt trong điều kiện trơn trượt.

Bệnh viện cũng hướng dẫn cách sơ cứu chấn thương hàm mặt, nhấn mạnh việc cầm máu, giữ đường thở thông thoáng và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để giảm thiểu biến chứng.

Phẫu thuật nội soi lấy máu tụ – Cơ hội hồi sinh cho bệnh nhân xuất huyết não

Một bệnh nhân nam 70 tuổi tại Hà Tĩnh đã được cứu sống nhờ kỹ thuật phẫu thuật nội soi lấy máu tụ tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Trước đó, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng không điều trị thường xuyên. Khi bị xuất huyết não tự phát, dẫn đến hôn mê sâu, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.

Qua chẩn đoán, bác sĩ xác định bệnh nhân có khối máu tụ lớn ở vùng trán thái dương trái, gây chèn ép nghiêm trọng. Ê-kíp phẫu thuật đã thực hiện kỹ thuật nội soi để loại bỏ máu tụ, giải phóng áp lực lên não. Sau 1 tiếng 30 phút, ca mổ thành công, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục. Chỉ sau 24 giờ, tri giác của bệnh nhân cải thiện rõ rệt và sau 10 ngày, ông được xuất viện, trở lại sinh hoạt bình thường.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Việt, phẫu thuật nội soi lấy máu tụ là phương pháp ít xâm lấn, giúp bảo tồn mô não lành và rút ngắn thời gian hồi phục. Thành công này tiếp tục khẳng định vai trò của kỹ thuật nội soi trong điều trị các bệnh lý thần kinh nguy hiểm.

Phẫu thuật nội soi lấy máu tụ – Cơ hội hồi sinh cho bệnh nhân xuất huyết não- Ảnh 1.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi loại bỏ khối máu tụ, giải phóng chèn ép và bảo tồn chức năng não bộ. Ảnh: SK&ĐS

Ăn cá nóc suýt tử vong, bệnh nhân hồi sinh sau 6 giờ lọc máu hấp phụ

Bà M., sau khi tự chế biến và ăn cá nóc tại nhà, đã bị ngộ độc nghiêm trọng, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam trong tình trạng mệt mỏi, lơ mơ và nôn ói liên tục. Các bác sĩ nhanh chóng xác định bệnh nhân bị ngộ độc cá nóc nặng, có nguy cơ suy hô hấp cấp, và tiến hành rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính để loại bỏ độc tố.

Tuy nhiên, sau 5 giờ, tình trạng bà M. xấu đi với triệu chứng mê sâu, yếu cơ hô hấp và rối loạn tiểu tiện. Các bác sĩ quyết định đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy và thực hiện lọc máu hấp phụ trong 6 giờ. Nhờ phương pháp này, bệnh nhân dần tỉnh táo, hồi phục tri giác và được chuyển sang khoa Nội tổng hợp để tiếp tục điều trị. Sau 8 ngày nằm viện, bà M. đã ổn định và xuất viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Diễm, cá nóc chứa độc tố Tetrodotoxin, nếu sơ chế không đúng cách có thể gây ngộ độc nghiêm trọng. Thành công của ca điều trị này cho thấy hiệu quả của kỹ thuật lọc máu hấp phụ trong xử lý các trường hợp ngộ độc nặng.

Bình luận