Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, số liệu quan trắc không khí hằng ngày cho thấy lượng bụi lơ lửng (TSP) vượt quy chuẩn Việt Nam 19,4%, nồng độ bụi mịn PM10, PM2.5 vượt 4,5%. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là hiện tượng mù khô.
Nguồn gốc của bụi mịn đến từ bụi, đất, bồ hóng,... chủ yếu xuất phát từ khói của việc đốt cháy các nhiên liệu hữu cơ trong hoạt động công nghiệp hay khí thải từ các phương tiện giao thông, rác thải, cháy rừng,...
Cùng với chất lượng không khí giảm đi, những ngày qua ghi nhận nhiều người mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp nhiều hơn các thời điểm trong năm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cũng cảnh báo các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tăng cao dịp này.
Bụi mịn gây hại cho sức khỏe ra sao
Bụi mịn có kích thước siêu nhỏ, khi xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, miệng, da và niêm mạc, gây hại cho các cơ quan như mạch máu, tủy xương, lá lách... đặc biệt là hệ hô hấp và tim mạch bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, bụi mịn trong không khí gây ảnh hưởng đến hô hấp ở mức độ cấp tính và mãn tính. Với các biểu hiện như ho, khò khè, sổ mũi, viêm xoang, nhức đầu, nặng hơn có thể dẫn đến tình trạng hen suyễn, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Với người bệnh viêm xoang sẽ gây ảnh hưởng đến vùng họng và tai với triệu chứng như ngứa họng, đau rát, viêm họng. Viêm mũi xoang làm tắc nghẽn vòi nhĩ, dẫn tới việc gia tăng các bệnh lý về tai. Bụi mịn xâm nhập sâu vào phổi gây nên tình trạng khó thở, đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh phổi, hen phế quản hay nhiễm trùng đường hô hấp.
Bụi mịn còn làm cho cơ thể sản sinh ra các gốc tự do. Những gốc tự do này sẽ tấn công các tế bào và các phân tử đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể, trong đó có ADN.
Phòng ngừa và giảm tác động của bụi mịn
Giải pháp khả thi nhất được khuyến cáo là nên đeo khẩu trang. Hãy sử dụng các loại khẩu trang đúng chuẩn như 3M, N95, N99 vì cấu tạo của chúng có khả năng lọc bụi mịn và các tác nhân gây hại trong không khí ô nhiễm.
Trừ những trường hợp cần thiết, nên hạn chế ra đường, tránh những khu vực bị ô nhiễm. Người dân cũng đừng quên đeo khẩu trang đúng cách khi đi đường hoặc khi tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi; giảm thiểu thời gian tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm, các hoạt động thể dục gần nguồn phát sinh bụi.
Thường xuyên vệ sinh tai mũi họng để duy trì khả năng lọc bụi tốt nhất. Khi thời tiết thay đổi cần giữ ấm cho đường hô hấp bằng cách quấn cổ tránh giô, uống nước ấm...
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng chính là sự điều chỉnh ý thức của xã hội. Người dân cần thay đổi thói quen sinh hoạt như chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng và những phương tiện thân thiện với môi trường, hạn chế dùng bếp than, đốt vàng mã... cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phòng ốc sạch sẽ, giữ môi trường sống được thông thoáng.