Chờ...

Ốc đảo xanh tươi che giấu thành phố cổ 4.000 năm tuổi

VOH - Một nhóm các nhà khảo cổ học công bố phát hiện đáng chú ý tại Saudi Arabia, là thành phố cổ al-Natah, có niên đại khoảng 4.000 năm, ằm ẩn dưới một ốc đảo ở khu vực Khaybar.

Phát hiện này không chỉ mở ra cái nhìn mới về lịch sử khu vực, mà còn giúp làm sáng tỏ sự chuyển đổi từ lối sống du cư sang lối sống đô thị.

Dưới sự dẫn dắt của nhà khảo cổ học người Pháp Guillaume Charloux, nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả trên tạp chí PLOS One.

Di tích al-Natah, được xây dựng vào khoảng năm 2.400 trước Công nguyên, được bao quanh bởi một bức tường cổ dài 14,5 km.

Đây là một minh chứng cho sự phát triển của các cộng đồng đô thị trong thời kỳ đầu của nền văn minh đồ đồng.

Al-Natah từng là nơi cư trú của khoảng 500 người, nằm trong một khu vực xanh tươi giữa sa mạc, nơi mà trước đó chỉ có những người du mục chăn thả gia súc.

Mặc dù thành phố bị bỏ hoang sau khoảng 1.000 năm, lý do cụ thể cho sự sụp đổ này vẫn còn là một câu hỏi chưa được giải đáp.

Di tích còn lại của thành phố al-Natah - Ảnh AFP
Di tích còn lại của thành phố al-Natah - Ảnh: AFP


Nghiên cứu cho thấy các thành lũy được thiết lập xung quanh khu dân cư, chỉ ra rằng đây là một cộng đồng có tổ chức với sự hiện diện của chính quyền địa phương mạnh mẽ. Kích thước của các tường thành có thể lên tới 5m cho thấy sự đầu tư lớn vào công trình phòng thủ.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những nền móng vững chắc, khả năng hỗ trợ các ngôi nhà 1 hoặc 2 tầng, và 50 ngôi nhà được xây dựng trên một ngọn đồi, cho thấy sự phát triển của một xã hội định cư ổn định hơn.

Ngoài các kiến trúc, nhóm nghiên cứu còn phát hiện một nghĩa địa với các mộ chứa vũ khí kim loại như rìu và dao găm, cùng với các viên đá quý như đá mã não.

Những dấu tích đồ gốm cho thấy xã hội nơi đây có sự quân bình, và sự hiện diện của các công cụ kim loại chứng tỏ trình độ kỹ thuật của họ.

Ông Charloux cho biết, các lớp đá bazan che phủ đã bảo vệ địa điểm này khỏi sự đào trộm, mở ra cơ hội cho những nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.

Những phát hiện này không chỉ là di sản văn hóa mà còn là một phần quan trọng trong việc hiểu rõ hơn về quá trình đô thị hóa tại khu vực Tây Bắc Ả Rập, từ lối sống du cư sang lối sống định cư.