Phát hiện kho báu vàng ẩn trong chiếc bình cổ ở Ai Cập

VOH - Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một kho báu trang sức bằng vàng có niên đại hơn 2.600 năm tại khu vực phía Tây Bắc Đền Karnak, thành phố Luxor, Ai Cập.

Dù được cất giấu trong một chiếc bình gốm đã vỡ, bộ sưu tập vẫn được bảo quản gần như nguyên vẹn, khiến giới nghiên cứu sửng sốt.

Bộ sưu tập này bao gồm nhẫn vàng, bùa hộ mệnh khắc hình ba vị thần Ai Cập cổ đại Amun, Mut và Khonsu, trâm cài kim loại, hạt cườm mạ vàng cùng nhiều vật phẩm quý hiếm khác. Đây được coi là một phát hiện quan trọng giúp làm sáng tỏ thêm lịch sử của Đền Karnak trong thiên niên kỷ đầu tiên trước Công nguyên.

Kho bnao

Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập (SCA), ông Mohamed Ismail Khaled, khẳng định khám phá này mang giá trị lịch sử to lớn. Bộ trang sức có thể là lễ vật dâng lên thần linh hoặc tài sản được chôn giấu để bảo vệ trong thời kỳ bất ổn chính trị.

Theo ông Abdel Ghaffar Wagdy, Tổng giám đốc Cơ quan Cổ vật Luxor, người dẫn đầu nhóm khai quật, bộ sưu tập chứa nhiều hiện vật tinh xảo, trong đó đáng chú ý là những bùa hộ mệnh vàng khắc hình ba vị thần quan trọng của Ai Cập cổ đại:

  • Amun – vị thần quyền năng nhất của Thebes, biểu tượng của sự sáng tạo.

  • Mut – nữ thần mẹ, vợ của Amun.

  • Khonsu – vị thần mặt trăng, con trai của Amun và Mut.

“Hình ảnh bộ ba thần Theban trên bùa hộ mệnh cho thấy chủ nhân có thể đã tin tưởng vào sự bảo hộ của thần linh,” Wagdy nhận định.

Shelby Justl, nhà Ai Cập học tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, cho rằng những món trang sức này được chế tác tinh xảo và phù hợp với Đền Karnak – nơi thờ phụng chính của bộ ba thần Theban.

Quan the karnak
Đền Karnak

Giả thuyết về nguồn gốc của bộ sưu tập vẫn đang được tranh luận. Giáo sư Peter Brand từ Đại học Memphis (Mỹ) cho rằng đây có thể là một kho báu được chôn giấu trong thời kỳ biến động chính trị.

Trong khi đó, chuyên gia trang sức Ai Cập Jack Ogden nhận định những món đồ này dường như không được chế tác để đeo hàng ngày mà có thể dành cho nghi lễ tôn giáo hoặc mục đích chôn cất.

Một giả thuyết khác được đưa ra là số trang sức này có thể thuộc về một xưởng chế tác gần đó và bị giấu đi để tránh bị trộm cắp. “Thật hiếm khi tìm thấy nhiều trang sức vàng được chế tác tinh xảo ở một địa điểm gắn với người sống, thay vì trong một ngôi mộ,” Justl nhấn mạnh.

Hiện nhóm nghiên cứu đang tiến hành phục chế và ghi chép chi tiết từng hiện vật trước khi trưng bày tại Bảo tàng Luxor. Phát hiện này không chỉ giúp làm sáng tỏ các nghi lễ tôn giáo cổ đại mà còn cung cấp thêm manh mối về sự phát triển văn hóa và chính trị của Ai Cập trong giai đoạn Vương triều thứ 26 (664-525 TCN).

Sự xuất hiện của kho báu bí ẩn này tiếp tục khẳng định Ai Cập vẫn còn ẩn giấu nhiều bí mật chưa được khám phá, khiến giới khảo cổ và người yêu thích lịch sử trên toàn thế giới không khỏi háo hức chờ đợi những phát hiện tiếp theo.

Bình luận