Chờ...

Phát hiện mẫu bọt biển hóa thạch 550 triệu năm ở Trung Quốc

VOH - Đây được xem là phát hiện mang tính đột phá, làm sáng tỏ sự tiến hóa ban đầu của bọt biển - một trong những nhóm động vật lâu đời nhất được biết đến trên Trái Đất.

Phát hiện vừa được công bố trên tạp chí Nature. Theo đó, mẫu bọt biển mới được phát hiện ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và được các nhà khoa học của Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh (thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc) đặt tên là Helicolocellus, đại diện cho thế giới tiền Cambri vẫn còn đầy bí ẩn đối với nhân loại.

Bọt biển thường được coi là ngành động vật đa bào cơ bản và nguyên thủy nhất. Hóa thạch bọt biển sớm có thể cung cấp manh mối quan trọng về nguồn gốc và sự tiến hóa ban đầu của động vật nói chung, tức bao gồm chính chúng ta.

sea-sponge-fossil-1600
Nhà sinh vật học Shuhai Xiao từ Đại học Bách khoa Virginia (Mỹ) cầm trên tay mẫu hóa thạch bọt biển 550 triệu năm tuổi - Ảnh: Spencer Coppage/Virginia Tech

Bọt biển xuất hiện trên Trái Đất khoảng 700 triệu năm trước . Tuy vậy, các hóa thạch bọt biển cổ xưa nhất từng được khai quật khoảng 539 triệu tuổi, tức đầu kỷ Cambri (541 triệu - 485 triệu năm trước). Do đó, khoảng cách 160 triệu năm này, thường được gọi là “những năm bị mất”, đặt ra dấu hỏi về bí ẩn quan trọng trong dòng thời gian tiến hóa của bọt biển.

Vì lẽ đó, việc phát hiện hóa thạch 550 triệu năm tuổi ở Hồ Bắc, Trung Quốc - sinh vật đại diện cho một trong các sinh vật từ thời kỳ "bóng tối" đó, được xem là phát hiện mang tính đột phá. 

Helicolocellus mới được phát hiện cho thấy các đặc điểm hình thái tương tự như bọt biển thủy tinh hiện đại (Hexactinellida), chẳng hạn như thân hình nón đối xứng xuyên tâm, cấu trúc gắn hình đĩa, có thể có khoang trung tâm và các kênh thoát nước.

Tuy nhiên, không giống như những họ hàng sau này của nó, lưới của Helicolocellus được tạo thành từ chất hữu cơ chứ không phải các gai được khoáng hóa sinh học.

Phát hiện mẫu sinh vật hóa thạch 550 triệu năm ở Trung Quốc
Đồ họa của hóa thạch bọt biển 550 triệu năm ở Trung Quốc - Ảnh: Yuan Xunlai/SciTech Daily
Phát hiện mẫu bọt biển hóa thạch 550 triệu năm ở Trung Quốc-2
Mẫu hóa thạch vừa được phát hiện ở Hồ Bắc, Trung Quốc - Ảnh: NATURE

Việc phát hiện ra Helicolocellus là một cột mốc quan trọng trong việc tìm hiểu sự tiến hóa ban đầu của bọt biển và rộng hơn là nguồn gốc của đời sống động vật, đặc biệt là sự phát triển cấu trúc xương ở các sinh vật biển cổ đại.

Phát hiện này có thể thu hút sự quan tâm của giới khoa học, thúc đẩy quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thêm các hóa thạch khác từ thời Ediacaran, từ đó giúp tiết lộ nhiều hơn về sự đa dạng và phức tạp của đời sống sinh vật thời tiền Cambri.

Thế giới đã thay đổi rất nhiều từ khi kỷ Cambri bắt đầu - thời kỳ đánh dấu cuộc bùng nổ sinh học vĩ đại nhất trên địa cầu.

Kỷ Cambri là kỷ bắt đầu của liên đại Hiển Sinh, cũng là kết thúc của liên đại Nguyên Sinh. Những gì xảy ra với động vật sơ khai trong liên đại Nguyên Sinh gần như còn chìm trong màn tối.

Việc phát hiện ra Helicolocellus không chỉ lấp đầy khoảng trống đáng kể của "những năm bị mất", mà còn mở ra những con đường mới cho việc khám phá thêm những manh mối quan trọng giúp giải thích những thay đổi đầu tiên đối với tổ tiên chúng ta khi thế giới chuyển đổi giữa hai liên đại, góp phần vào sự tiến hóa phức tạp ngày nay.