Hiện nay, trên radio phát trực tiếp, không khó để nhận diện sản phẩm, dịch vụ của các ngành thương hiệu hàng đầu quốc gia như: Viễn thông, ngân hàng, dược phẩm, tiêu dùng, xây dựng, các dự án bất động sản... được phát xuyên suốt trên khung giờ vàng phát thanh.
Vì sao trong kỷ nguyên số 4.0 với sự bùng nổ của internet mà các "ông lớn" vẫn tin tưởng lựa chọn "truyền thông bằng lời nói" để tiếp thị thương hiệu? Tất cả đều có lý do của nó.
Kênh radio trực tiếp – xu hướng truyền thông hiện đại
Chúng ta đang sống trong một nhịp sống rất khẩn trương, với quỹ thời gian đang bị thu hẹp vì quá nhiều nhu cầu, trong đó nhu cầu di chuyển trên đường của mỗi người sẽ chiếm một thời lượng ngày càng đáng kể. Chính điều này cho thấy nhu cầu được thông tin bằng phát thanh không thể bị thu hẹp bởi nhịp sống của xã hội hiện đại, ngược lại, ngày càng to lớn, đa dạng và "khó tính" hơn.
Ra đời trước truyền hình, phát thanh được coi là loại hình truyền thông hiệu quả nhất. Sự sinh động của lời nói, âm thanh, tiếng động truyền qua làn sóng radio được thính giả đón nhận nồng nhiệt. Phát thanh hiện đại ngày nay kế thừa và phát triển của phát thanh truyền thống thông qua sự thay đổi ngoạn mục trong phương thức sản xuất chương trình. Dựa trên nền tảng của công nghệ, kỹ thuật mới, một loạt các chương trình radio mới mẻ ra đời, trong đó không thể không kể đến các chương trình radio trực tiếp.
Theo PGS, TS Đức Dũng: "Trong cuộc cạnh tranh giữa các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay, ai nắm vững thông tin mới nhất và truyền thải thông tin một cách nhanh nhất thì người đó sẽ chiến thắng".
Chính vì thế khả năng truyền thông tin nhanh nhạy là lợi thế đầu tiên của các kênh radio trực tiếp so với các loại hình báo chí khác. Hiện nay, cũng giống như nhiều Đài phát thanh trên thế giới, ở Hệ Thời sự - Chính trị tổng hợp của Đài Tiếng nói Việt Nam, cứ sau mỗi giờ đồng hồ lại có một bản tin 5 phút để cập nhật những thông tin mới nhất, phản ánh kịp thời về những sự kiện nóng hổi nhất, kênh VOV Giao thông thực hiện các khung giờ cao điểm sáng – trưa – chiều để cập nhật nhanh nhất các thông tin giao thông trên từng cung đường trọng điểm. Đặc biệt hơn cả, kênh Giao thông đô thị FM 95.6Mhz của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) còn cho ra đời cả chương trình radio trực tiếp với 7 giờ/ngày tại 03 khung giờ 08 giờ - 10 giờ, 11 giờ - 13 giờ và 16 giờ - 19 giờ với tên gọi là Nhịp Sống Sài Gòn. Nhịp Sống Sài Gòn đã tận dụng tối đa ưu thế của phát thanh hiện đại, tạo nên sự hấp dẫn công chúng và đã có những bứt phá ngoạn mục, phù hợp với truyền thông hiện đại.
Đa dạng nội dung và nhiều khung giờ phát sóng
Mỗi kênh radio phát trực tiếp đều có những nội dung đa dạng, phong phú, lôi cuốn như Nhịp đập tin tức, Chuyến xe năng lượng, Quà tặng âm nhạc, Fm Sức Khỏe, Tình yêu và giới tính, Tư vấn pháp luật, Tư vấn tiêu dùng, … phù hợp với nhiều đối tượng nghe đài như người cao tuổi, các bà nội trợ, thanh thiếu niên, sinh viên, tài xế… Vì thế, quảng cáo trên radio không hề "kén chọn" mà rất da dạng sản phẩm, dịch vụ như viễn thông, ngân hàng, dược phẩm, bất động sản, vật liệu xây dựng, mỹ phẩm, thực phẩm…
Trong số các đối tượng nghe đài thì tài xế và những người ngồi phía sau tay lái, người thường xuyên di chuyển trên đường có lượng nghe cao nhất. Với đặc thù công việc khi phải tập trung lái xe và không thể theo dõi tivi hay xem điện thoại quá nhiều khi di chuyển nên radio là lựa chọn phù hợp nhất. Đặc biệt trên sóng radio trực tiếp, các bác tài và thính giả có thể tương tác trực tiếp với phát thanh viên, chuyên gia, người nổi tiếng, hoặc gửi gắm tâm sự, chia sẻ… bằng những cuộc gọi điện thoại kết nối. Đây chính là "thỏi nam châm" thu hút bạn nghe đài vì vừa giúp thư giãn, giảm stress lại tăng sự yêu thích đối với kênh phát sóng, khiến họ không thể chuyển kênh vì muốn được nghe tư vấn hữu ích của chuyên gia trong các lĩnh vực mình quan tâm, giọng của chính mình, hay mong chờ được nhận những "quà tặng" từ ai đó. Nhờ vậy, tên tuổi các sản phẩm, dịch vụ được phát liên tục trong chương trình sẽ từ từ tạo ấn tượng trong trí nhớ của người nghe đài.
Hiện nay, tất cả các loại xe 04 bánh trở lên đều có tiện ích radio. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng ôtô cá nhân của người dân ngày càng cao, taxi công nghệ ngày càng phát triển là yếu tố đảm bảo lượng thính giả nghe đài ngồi sau tay lái luôn ở mức ổn định. Nhờ đó, lượng khách hàng tiềm năng cho các nhãn hàng, thương hiệu cũng tăng lên.
Mặt khác, mỗi kênh radio trực tiếp đều có thời lượng phát sóng cố định trong ngày và mỗi ngày đều có những khung giờ cao điểm tập trung đông người nghe nhất. Vào mỗi "giờ vàng phát sóng" lại có nhưng đối tượng thính giả khác nhau. Từ đó, các nhãn hàng, doanh nghiệp dễ dàng "nhận diện" được khách hàng mục tiêu nằm ở khung giờ nào để lựa chọn phát sóng.
Sức mạnh của ‘truyền thông bằng lời nói"
Quảng cáo trên radio rất đa dạng như phát thanh viên nói trực tiếp về sản phẩm (Live Mention), quảng cáo qua vở kịch ngắn, dựa theo lời bài hát, cải lương (Radio Ads, Radio Trailer) hoặc tài trợ khung giờ để truyền thông cho sản phẩm, dịch vụ.
Không thể sử dụng hình ảnh nên mỗi quảng cáo đều được tận dụng tối đa sức mạnh từ lời nói tạo sự chú ý, cuốn hút người nghe. Phát thanh viên nói về sản phẩm có giọng nói truyền cảm, thuyết phục, dẫn dắt ấn tượng. Kịch bản ngắn được nghệ sĩ quen thuộc thể hiện, câu thoại ngắn gọn, dễ nhớ, đôi khi dí dỏm, hài hước.
Có thể thấy, dù chịu sự cạnh tranh với truyền hình và internet nhưng quảng cáo trên radio không bị thất thế. Ngược lại, nhờ công nghệ mà lượt nghe radio tăng lên rất nhiều từ các ứng dụng nghe đài trên điện thoại, tivi, trang web. Đây cũng chính là "đòn bẩy" để "truyền thông bằng lời nói" tiếp tục lên ngôi trong thời gian tới và thu hút các nhãn hàng, thương hiệu thay nhau quảng cáo.
Thông tin chi tiết