Phụ nữ phường 7, quận Bình Thạnh - làm “Tai giả” bằng cả trái tim

(VOH) - Dịch bệnh covid 19 vẫn diễn biến phức tạp và chưa biết đến khi nào mới kết thúc. Các cán bộ y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch đang dốc hết khả năng, sức lực để khống chế dịch bệnh.

Mỗi người chúng ta cũng là một nhân tố quan trọng việc giữ vững bức tường thành chống dịch mà các y bác sĩ đã ra sức dựng xây. Mỗi việc làm, mỗi hành động, mỗi phần quà dành cho những chiến sĩ tuyến đầu này đều mang ý nghĩa động viên, khích lệ, tiếp thêm sức mạnh thể hiện sự chung sức, chung lòng của người dân Việt Nam đồng lòng chống dịch.

Mô hình làm tai giả gởi tặng các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch của Hội Liên hiệp phụ nữ Phường 7, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực như thế.

Các thành viên trong nhóm làm "Tai giả" của Hội Liên hiệp phụ nữ phường 7, Quận Bình Thạnh chỉ dạy nhau cách làm.

Nhóm làm tai giả của Hội Liên hiệp phụ nữ phường 7, Quận Bình Thạnh ra đời khoảng trung tuần tháng 8, hiện có khoảng 10 đến 15 thành viên. Các thành viên của lớp học chủ yếu là cán bộ hưu trí, các chị nội trợ, cán bộ công nhân viên trên địa bàn phường.

Thực chất đây là một lớp dạy nghề do Hội tổ chức. Nhưng thấy việc làm tai giả đang có ý nghĩa thiết thực nên tổ chức Hội đã mở rộng, vừa đào tạo nghề móc len vừa vận động các chị em đã biết đan móc, làm tai giả tặng các cho các y bác sĩ. Chị nào chưa biết làm thì tham gia lớp học để được hướng dẫn, chị nào đã biết làm rồi thì có thể tranh thủ thời gian nghỉ ngơi như giờ trưa hoặc tối để làm.  Việc làm hữu ích của các chị cũng nhanh chóng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực từ nhiều chị ở các địa phương khác, có người đã tự nguyện hỗ trợ mua len, có người nhận về làm tại nhà.

Bà Đặng Nguyễn Ngọc Xuân Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Phường 7, Quận Bình Thạnh cho biết thêm: "Xuất phát từ việc hàng ngày mình vẫn phải đep khẩu trang, nhưng mà tỷ lệ mình đeo khẩu trang vẫn ít hơn các y, bác sĩ mà vẫn cảm thấy là vành tai mình bị đau. Qua việc tham khảo trên mạng thì thấy có mô hình làm tai giả thì về cũng phát động trong cán bộ hội viên của mình tổ chức một lớp đan, móc tai giả và khẩu trang bằng len để làm đẹp thêm khẩu trang mình đeo, nhưng mà trước tiên là làm tai giả để gởi tặng đến các y, bác sĩ để cùng chung tay phòng chống dịch Covid - 19".

Đến với lớp đan móc len làm tai giả của Hội Liên hiệp phụ nữ Phường 7, Quận Bình Thạnh vào cuối giờ chiều, nhưng tôi thấy các chị, các cô vẫn miệt mài, cố gắng hoàn thành xong các sản phẩm mới chịu về nhà. Người biết rồi hướng dẫn cho người chưa biết, cô giáo cũng là cán bộ hưu trí, cô thuận tay trái mà các học trò lại quen tay phải, thế là móc vào rồi lại tháo ra để các trò nhìn, làm ngược lại. Khó khăn, trở ngại cũng không làm vơi sự quyết tâm, mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mỗi người để làm giảm bớt nỗi vất vả, nguy hiểm và áp lực mà các nhân viên y tế đang làm việc ở tuyến đầu chống dịch hàng ngày phải đối mặt, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Với quan niệm, ai có sức góp sức, có thời gian thì chia sẻ cùng nhau để làm, cô Nguyễn Thị Thanh Tiên, cán bộ hưu trí của Phường 7, Quận Bình Thạnh bày tỏ: "Mình là cán bộ hưu trí, mấy em Hội phụ nữ vận động mình dạy đan, móc tai giả mình cũng thấy vui, giờ có thể góp sức mình phần nào là mình thấy vui. Thấy mấy chị trong lớp làm rất tích cực, có chị làm không được mà chị cũng cố gắng, làm chút chút từ từ rồi cũng được, vận động nhau, giờ mình làm cái thứ nhất xấu, cái thứ hai đỡ hơn rồi cái thứ ba sẽ đẹp, vậy là cùng nhau cố gắng làm. Có người có kinh phí thì hỗ trợ cái lớn, mình công sức nhỏ hỗ trợ cái nhỏ, mỗi người một việc, mình vận động nhau làm để hỗ trợ cho các đồng chí ở tuyến đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch Covid".

Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận Bình Thạnh trao tặng "tai giả" cho các y, bác sĩ bệnh viện Quận Bình Thạnh.

"Tai giả" là một dải băng đan bằng sợi, dài khoảng15 cm, được đan hoặc móc bằng len. Với những người biết móc len rồi thì trung bình khoảng 5 đến 10 phút sẽ cho ra được một sản phẩm, gồm hai giai đoạn: móc len và đơm nút. Mỗi cuộn len giá thị trường khoảng 30.000 đồng, có thể làm ra được 30-40 cái “tai giả”. Những chiếc “tai giả” ra đời với đa dạng kích cỡ, kèm với sự sáng tạo trong việc pha màu trở nên rất bắt mắt, thú vị. Hai đầu sản phẩm được định hình bằng hai chiếc nút, để giữ hai sợi dây thun của chiếc khẩu trang như là đôi tai, giúp người đeo có cảm giác mềm mại và dễ chịu, không bị đau tai do đeo khẩu trang nhiều giờ liền. Bằng sự khéo léo, tận tâm và cả tấm lòng quý trọng gửi gắm qua từng chiếc “tai giả”, Hội Liên hiệp phụ nữ Phường 7, Quận Bình Thạnh đã làm được gần 200 chiếc tai giả bằng len mềm mại gửi tặng các y bác sĩ, trên địa bàn Quận Bình Thạnh.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Hoàng Quý, Phó giám đốc bệnh viện Quận Bình Thạnh chia sẻ: "Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang, với những khẩu trang cở nhỏ thì không thích hợp cho các anh em có khuôn mặt khá to hoặc tròn, đeo lâu dài tất nhiên là dây thun sẽ hằn phía sau tai, nếu y bác sĩ phục vụ trong thời gian dài khoảng 3, 4 tiếng đồng hồ trở lên thì sẽ gây không ít phiền phức. Những tai giả sẽ giúp cho việc đeo khẩu trang êm ái hơn và phục vụ tốt trong thời gian dài. Thực ra với sự hỗ trợ của cộng đồng, mặc dù chỉ là một món quà nhỏ thôi nhưng cũng mang một ý nghĩa rất lớn, mang đến sự phấn khởi cũng như là động viên cho các anh em trong ngành y tế, tiếp tục vững bước trong phòng chống dịch đạt hiệu quả hơn".

Những chiếc ‘tai giả’ nhỏ bé mà đẹp và mềm mại như tấm lòng người trao tặng; là món quà tinh thần vô giá của những người phụ nữ  nơi hậu phương gửi lời cảm ơn, động viên các y bác sĩ hãy vững tin, vượt qua bao khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; cùng đồng lòng "Chung tay đẩy lùi dịch covid-19".

Bài, ảnh: Huệ Như