Rau sạch là gì? Cách xử lý rau quả để hạn chế độc tố?

(VOH) – Nhu cầu sử dụng rau sạch ngày càng cao. Nhưng không hẳn ai cũng biết phân biệt được rau sạch, rau hữu cơ. Và quan trọng là cách hạn chế độc chất trong rau.

Thế nào là rau sạch?

Đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng, thị trường xuất hiện nhiều thương hiệu với các tên gọi rau sạch (còn gọi rau an toàn), rau hữu cơ (rau organic), rau Vietgap…

Tuy nhiên, người tiêu dùng cần phân biệt sự khác nhau của các tên gọi này

Rau hữu cơ:

Nhiều hộ gia đình hiện nay tự trồng rau ăn cho gia đình để đảm bảo an toàn thực phẩm, tiết kiệm chi tiêu và tạo môi trường xanh mát cho gia đình. Các loại rau này được gọi là rau hữu cơ nếu đáp ứng các điều kiện canh tác trong điều kiện tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học, không phun thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng sản phẩm biến đổi gen...

Rau hữu cơ được trồng hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng các chất hóa học và sự chăm sóc kỹ lưỡng nên thành phẩm sạch, an toàn cho người dùng và đảm bảo được hương vị tự nhiên, đặc trưng của các loại rau củ, có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều khoáng chất có ích cho sức khỏe con người.

Rau sạch là gì? Cách xử lý rau quả để hạn chế độc tố? 1
Ảnh minh họa

Rau sạch:

Rau sạch là loại rau được sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, canh tác trên đất trồng được xử lý sạch, sử dụng nước tưới sạch, sử dụng phân bón theo hạn mức cho phép, sử dụng giống cây trồng chất lượng... Quy trình này nhằm đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích... giảm tối đa lượng độc tố tồn đọng trong rau như nitrat, thuốc trừ sâu, kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh.

Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, chi phí đầu tư cao, rau hữu cơ có giá bán cao hơn nhiều so với các loại rau canh tác trong điều kiện trồng trọt khác.

Rau sạch VietGap:

VietGap là một trong các tiêu chuẩn rau sạch ở Việt Nam. VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices – Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam) là giấy chứng nhận quy trình sản xuất thực phẩm sạch do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 28/01/2018, được áp dụng trong các lĩnh vực rồng trọt

Bộ tiêu chuẩn VietGAP bao gồm các tiêu chí do Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và hướng dẫn người sản xuất áp dụng nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động.

Các tiêu chí cơ bản cho sản xuất rau VietGAP: Điều kiện vùng sản xuất, quản lý đất trồng và vệ sinh đồng ruộng, quản lý sử dụng phân bón và chất phụ gia, quản lý, sử dụng nguồn nước trong sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, ghi Nhật ký sản xuất, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc

Cách xử lý rau quả để hạn chế độc tố

Rửa sạch, sơ chế rau củ:

Rau củ mua về, trước khi sử dụng nên ngâm kỹ, rửa sạch từng lá, nhất là các kẽ lá cho thật sạch, pha vào nước rửa 1 – 2 muỗng cà phê muối để sâu bọ và côn trùng bò ra khỏi kẽ lá.

Rau quả phải ngâm ngập trong nước sạch 15 – 20 phút, rửa nhiều lần (ít nhất 3 – 4 lần) trong chậu nước đầy để loại trừ các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư. Các loại trái cây cần gọt bỏ vỏ cho an toàn. Cần rửa sạch cuống quả vì đây là nơi tích trữ vi khuẩn và hoá chất độc hại.

Các bà nội trợ còn truyền nhau bí kíp loại bỏ vi trùng và thuốc trừ sâu trong trái cây và rau củ từ giấm vì nó có đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ. Hoặc ngâm rau, củ, quả với nước được vắt thêm nước cốt chanh để loại bỏ thuốc trừ sâu là vì trong chanh có tính axit. Nước vo gạo cũng rất tốt trong việc khử chất trừ sâu trong rau, củ, quả.

Giấm, nước vo gạo, cốt chanh, hoặc ngâm dung dịch thuốc tím có tác dụng làm sạch, loãng độc tố hoặc làm thay đổi thành phần của độc tố nếu có.

Có nhiều cách làm sạch rau quả một cách cơ bản, tuy nhiên nếu rau đã nhiễm độc từ bên trong thì khó có thể loại bỏ hết