Sử dụng ấm đun nước siêu tốc sao cho đúng cách không hại sức khỏe

VOH - Ấm siêu tốc là vật dụng quen thuộc trong nhiều gia đình, giúp chúng ta đun nước nhanh chóng để pha trà, cà phê, mì hoặc khử trùng các vật dụng.

Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách, không chỉ làm giảm tuổi thọ của ấm đun mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe và an toàn. Dưới đây là những sai lầm phổ biến cần tránh để đảm bảo an toàn khi sử dụng ấm siêu tốc.

am sieu toc_voh
Sử dụng ấm siêu tốc không  đúng cách có thể làm giảm tuổi thọ của ấm mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe và an toàn

1. Lựa chọn chất liệu ấm không phù hợp

Ấm siêu tốc thường được làm từ thép không gỉ, nhưng không phải loại nào cũng an toàn. Một số loại thép không đạt tiêu chuẩn có thể sinh ra kim loại nặng khi đun nước, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Để đảm bảo an toàn, bạn nên chọn ấm làm từ inox 304 (thường dùng trong đồ gia dụng) hoặc inox 316, 316L (sử dụng trong y tế). Tránh mua các loại ấm giá rẻ, chất lượng kém, vì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe là rất cao.

2. Không tuân thủ đúng thứ tự khi sử dụng

Khi sử dụng ấm siêu tốc, quy trình an toàn là đổ nước vào ấm trước rồi mới cắm điện. Tuyệt đối không cắm điện khi ấm chưa có nước, vì nếu ấm hoạt động trong tình trạng khô, các linh kiện bên trong sẽ bị quá nhiệt, dễ gây hỏng hóc hoặc cháy nổ, làm giảm tuổi thọ của ấm.

3. Đổ nước quá vạch tối đa

Mỗi ấm siêu tốc đều có vạch báo mực nước tối đa. Đổ nước vượt quá vạch này có thể khiến nước sôi tràn ra ngoài, gây nguy cơ ngắt mạch điện hoặc điện giật. Ngoài ra, nếu nước nóng đổ ra sàn, người sử dụng có thể bị bỏng hoặc trượt ngã. Vì vậy, luôn đảm bảo đổ nước vừa phải, không vượt quá vạch quy định.

4. Để ấm cạn ngay sau khi đun

Sau khi đun nước, không nên trút cạn nước trong ấm ngay lập tức vì mâm nhiệt vẫn còn tiếp tục tỏa nhiệt dù công tắc đã tắt. Nếu không để lại một ít nước, mâm nhiệt sẽ nhanh chóng bị hỏng. Tốt nhất, hãy để lại một lượng nước nhỏ trong ấm, chờ đến khi nguội hẳn rồi mới đổ ra.

Ngoài ra, việc để nước trong ấm qua ngày cũng là sai lầm phổ biến. Nước để lâu dễ tạo thành cặn canxi, tích tụ dưới đáy ấm, làm giảm hiệu suất đun nước và hỏng mâm nhiệt.

5. Không vệ sinh ấm thường xuyên

Qua thời gian, đáy ấm sẽ tích tụ cặn vôi, không chỉ làm giảm hiệu quả đun nước mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nước và sức khỏe. Do đó, cần vệ sinh ấm thường xuyên để loại bỏ cặn vôi. Cách làm đơn giản là đun sôi nước với giấm trắng, nước cốt chanh hoặc vỏ cam/quýt, sau đó để ngâm khoảng 10-30 phút rồi xả sạch.

6. Không kiểm tra đế điện trước khi sử dụng

Đế điện là bộ phận truyền điện, nếu bị ẩm ướt có thể gây nguy cơ điện giật. Trước khi sử dụng, hãy kiểm tra và lau khô đế điện để đảm bảo an toàn tối đa. Đây là bước quan trọng nhưng nhiều người thường bỏ qua.