Cúng Rằm tháng Chạp là lễ cúng tổng kết cho 1 năm, với ý nghĩa tưởng nhớ đến tổ tiên, tạ ơn các vị thần linh và cầu mong sự an lành, may mắn. Do đó, có thể coi đây là lễ cúng Rằm quan trọng nhất trong năm.
Theo quan niệm xưa, có thể cúng Rằm tháng Chạp đúng ngày 15 Âm lịch hoặc trước một vài ngày nếu điều kiện không cho phép, miễn là giữ được lòng thành kính và thái độ trang nghiêm.
Nếu không thể cúng đúng ngày, nên chọn một ngày gần với rằm nhất có thể, ví dụ như ngày 14 Âm lịch hoặc thậm chí là 13 Âm lịch.
Không có một chuẩn mực nào trong lễ cúng Rằm tháng Chạp mà tùy tâm gia chủ chuẩn bị lễ vật cúng sao cho phù hợp với truyền thống gia đình, tín ngưỡng, phong tục tập quán vùng miền.
Theo đó, mỗi gia đình có thể chỉ cần cúng đơn giản với đĩa hoa quả hay bánh kẹo, trầu cau, rượu trà nước thắp nhang tỏ lòng thành. Nếu có thời gian, các gia đình có thể làm mâm cúng chay hoặc mặn nhiều gia đình chuẩn bị cả hai mâm cỗ.
- Mâm cỗ mặn: thường có xôi, thịt gà luộc, canh miến hoặc canh măng, giò chả, món xào, nem rán... Các món trong mâm cỗ mặn tùy theo phong tục của từng địa phương và từng gia đình có thể thay đổi khác nhau.
- Mâm cỗ chay: với các món như đậu hũ, rau xào, nấm hấp để thể hiện lòng thành kính.
Ngoài ra, cần có các lễ vật sau trong mâm cúng
- Hoa: Hoa tươi, thường là hoa cúc vàng hoặc hoa sen, được bài trí trang trọng để tỏ lòng tôn kính.
- Đèn, nến: 2 cây đèn hoặc nến tượng trưng cho ánh sáng, sự tiếp nối truyền thống và tấm lòng sáng trong.
- Trái cây: Mâm ngũ quả thường được chuẩn bị cẩn thận với các loại trái cây tươi ngon như chuối, bưởi, đu đủ, xoài. Tùy từng vùng miền mà các loại trái có thể thay đổi sao cho phù hợp và mang ý nghĩa tốt lành.
- Trà, rượu: Một bình trà và một chai rượu nếp hoặc rượu trắng nhỏ là những vật phẩm không thể thiếu. Đây là các thức uống đại diện cho sự tinh khiết và lòng thành của gia chủ.
- Trầu cau luôn đi liền với các nghi lễ cúng bái của người Việt, biểu hiện cho sự gắn kết, trường tồn trong các mối quan hệ gia đình.