Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết, ông thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân trẻ tuổi mắc chứng rối loạn lưỡng cực, phổ biến nhất ở lứa tuổi từ 13 - 14 đến dưới 40.
Một trường hợp đặc biệt mà bác sĩ Hiển từng tiếp nhận là một nam thanh niên khoảng 24 tuổi, trú TP.HCM, được bố mẹ đưa vào bệnh viện vì có biểu hiện tâm trạng thay đổi thất thường, đột ngột không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, trong quá trình mắc bệnh, anh vẫn mang tiền đi đầu tư và sinh lời.
Theo bác sĩ Hiển, trường hợp của nam thanh niên trên là rất hiếm gặp, bởi đa số người bệnh rối loạn lưỡng cực đều thích tiêu tiền, họ nghiện mua sắm, dễ bị lừa.
Bác sĩ Hiển cũng cho biết thêm, rối loạn lưỡng cực chiếm khoảng 1% dân số. Căn bệnh vẫn còn là bí ẩn đối với các bác sĩ và nhà nghiên cứu. Bởi họ vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân khiến một số người rơi vào tình trạng này. Đáng chú ý, những người bị rối loạn lưỡng cực có nguy cơ tự tử cao hơn.
Cần phân biệt bệnh rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt. Đặc trưng của rối loạn lưỡng cực là sự tái diễn hoặc luân phiên của các giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm, xen kẽ là những giai đoạn thuyên giảm. Theo đó:
- Ở trạng thái hưng cảm: người bệnh có biểu hiện ngủ ít, ăn ít, nói nhiều, tiêu tiền nhiều, tự cho mình có nhiều tài năng.
- Ở trạng thái trầm cảm: người bệnh có biểu hiện ăn nhiều, ngủ nhiều không nói năng, không làm việc. Một số người bệnh rơi vào tình trạng hôm nay làm việc rất tốt, năng suất cao và liên tục không biết mệt mỏi. Tuy nhiên, sau đó, họ lại khó tập trung, hay lơ đãng, giảm hiệu suất học tập và làm việc, khả năng ghi nhớ kém, khó đưa ra quyết định.
Dù nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này chưa được xác định nhưng theo bác sĩ Hiển, các nhà khoa học đã tìm được mối quan hệ với nhiều yếu tố trong não bộ, bên ngoài môi trường và yếu tố phả hệ. Thống kê cho thấy, nếu trong gia đình có người bị rối loạn lưỡng cực thì tỷ lệ mắc bệnh cũng cao hơn.
Ngoài ra, nguyên nhân hình thành bệnh có thể đến từ những tác động nhỏ trong cuộc sống hằng ngày cho đến những chấn thương tâm lý lớn mất người thân, thất tình, làm ăn thua lỗ…
Mặc dù việc điều trị căn bệnh này không khó nhưng dễ nhầm lẫn với các bệnh tâm lý khác. Vì người bị rối loạn lưỡng cực vẫn có tư duy, làm việc nhưng dễ bị chẩn đoán nhầm sang tâm thần phân liệt vì có hành vi hoang tưởng, rối loạn hành vi.
Bác sĩ Hiển khuyến cáo người bệnh cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa trầm cảm để được thăm khám, chẩn đoán chính xác. Tại đây, người bệnh sẽ được kiểm tra triệu chứng bệnh thông qua trò chuyện, các bài trắc nghiệm. Sau đó, đối với từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị riêng biệt.