Giống như nhiều quốc gia châu Á khác, hệ thống Âm lịch – loại lịch dựa trên chu kỳ và vị trí của mặt trăng so với trái đất cũng được áp dụng tại Việt Nam, thậm chí có tác động lớn tới việc hình thành tập quán cùng nhiều nét văn hóa dân tộc.
Với người Việt, tháng một theo Âm lịch hay tháng Giêng chính là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm, bởi có Tết Nguyên Đán đón chào năm mới, đồng thời được ưu tiên tận dụng cho nghỉ ngơi, tụ hội và du Xuân.
‘Tháng Giêng là tháng ăn chơi’ – câu ca dao xưa trong văn hóa Việt
Có lẽ trong tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt, “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” vốn đã là một câu ca dao rất quen thuộc từ xa xưa, gắn bó với phong cách và văn hóa sinh hoạt của đời sống nông nghiệp.
Theo đó, tháng Giêng được biết đến như một thời điểm khởi đầu cho sự chuyển giao khí tiết mới của đất trời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều vụ thu hoạch. Hơn hết, các nhà nghiên cứu văn hóa cũng cho biết, người Việt xưa có tập quán sinh sống trong phạm vi làng xã, làng này “kết nghĩa anh em” với làng kia nên sau khi gom gặt và dọn ruộng, từng làng sẽ luân phiên tổ chức lễ hội chào Xuân, kéo dài tới hết tháng Giêng.
Bên cạnh đó, nhiều tích xưa vẫn còn được lưu truyền qua nhiều thế hệ ở một số làng quê Việt (điển hình như tại Sóc Sơn, Hà Nội) rằng sau khi 3 ngày Tết qua đi, người dân sẽ nô nức chuẩn bị cho “Tết lại”. Điều này là bởi trong những năm tháng chống giặc ngoại xâm của dân tộc, người dân thường phải đi di tản và ngày đầu tiên họ trở về quê hương, thôn xóm sau chạy giặc mới trở thành một ngày Tết trọn vẹn, ăn “Tết lại” một lần nữa.
Chính vì thế mà “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tháng của ngao du trăm miền để cầu ước cho trời đất thuận hòa, một năm may mắn, bình an tới mọi nhà.
Xem thêm: Hòa vào không khí rộn rã khi Xuân về qua 17 bài thơ giàu cảm xúc
Một số lễ hội mùa xuân nổi tiếng của Việt Nam
Trong tiết trời hiền hòa và ấm áp của những ngày đầu Xuân, các gia đình Việt có thể tranh thủ tận dụng để lên kế hoạch cho khá nhiều chuyến du Xuân, hành hương cũng như tham gia một số lễ hội nổi tiếng sau đây:
- Lễ hội chùa Hương (Hà Nội): diễn ra từ mùng 6 tháng Giêng tới hết tháng 3 Âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2022, lễ khai hội vào ngày 16 tháng Giêng.
- Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh): diễn ra từ mùng 9 tháng Giêng tới hết tháng 3 Âm lịch hàng năm.
- Lễ hội Cửa Ông (Quảng Ninh): diễn ra từ mùng 2 Tết cho đến hết tháng 3 Âm lịch.
- Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình): khai hội từ mùng 6 tháng Giêng, kéo dài hết tháng 3 Âm lịch.
- Lễ hội đền Trần (Nam Định): diễn ra từ rằm tháng Giêng.
- Lễ hội Lim (Bắc Ninh): kéo dài từ ngày 12 tháng Giêng tới hết tháng 3 Âm lịch.
- Lễ hội mẫu Đồng Đăng (Lạng Sơn): khai hội vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm.
- Lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh): từ mùng 4 Tết đến hết tháng Giêng.
Xem thêm: Lịch khai hội của các đền, chùa ba miền Bắc, Trung, Nam trong tháng Giêng
‘Tháng Giêng là tháng ăn chơi’ cùng lời nhắc nhở với đời sống hiện đại
Không thể phủ nhận rằng các hoạt động du Xuân, cầu may và tụ hội trong những ngày tháng Giêng đã tạo thành một nét văn hóa rất đặc trưng của dân tộc Việt. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện đại, điều kiện đời sống đã được cải thiện rất nhiều, chúng ta không còn “ăn Tết” mà dần chuyển sang “chơi Tết”, “nghỉ Tết”.
Vì vậy, tránh mượn cớ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” làm đình trệ công việc, “xả hơi” quá đà ảnh hưởng tới cuộc sống. Tự thưởng cho bản thân những giây phút nghỉ ngơi trong ngày Tết nhưng nên sớm tạo “bước chạy đà” cho mọi dự định năm mới đang chờ phía trước.
Năm mới đến “gõ cửa”, mọi công việc, kế hoạch đang dần được đưa vào quỹ đạo để thực hiện. Hy vọng rằng bạn đã có những ngày tháng Giêng đầu Xuân vui chơi vừa đủ, sẵn sàng “lên dây cót” hòa nhịp lại với đời sống thường nhật.