Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Thế hệ "đuôi chuột" - Thách thức của giới trẻ Trung Quốc trong thị trường lao động

TRUNG QUỐC - Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn, một thuật ngữ mới xuất hiện trên mạng xã hội nước này.

Thế hệ “đuôi chuột” là ám chỉ những sinh viên tốt nghiệp đại học với trình độ cao (đầu voi) nhưng phải chấp nhận công việc lương thấp hoặc sống dựa vào cha mẹ (đuôi chuột).

Hiện thực phũ phàng sau tấm bằng đại học

Zephyr Cao (27 tuổi), tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc năm 2023, đã quyết định từ chối tìm việc và trở về quê nhà ở tỉnh Hà Bắc. Anh chia sẻ: "Thật cay đắng khi phải nói lương khởi điểm của bằng cử nhân không có sự khác biệt với bằng thạc sĩ".

Tương tự, Amada Chen, sinh viên tốt nghiệp Đại học Trung Y Hồ Bắc năm 2024, đã nghỉ việc tại một doanh nghiệp nhà nước sau một tháng thử việc. Lý do là do môi trường làm việc độc hại, kỳ vọng quá đáng từ cấp trên và mức lương chỉ 60 tệ (khoảng 200.000 đồng) cho 12 giờ làm việc mỗi ngày.

230824-trung-quoc-1
Lao động trẻ Trung Quốc tìm kiếm cơ hội tại hội chợ việc làm ở quảng trường Giải phóng - Ảnh: Reuters

Thị trường lao động ảm đạm

Theo số liệu chính thức, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi 16 - 24 đã vượt ngưỡng 20% vào tháng 4/2023 và đạt mức kỷ lục 21,6% vào tháng 6/2023. Mặc dù chính phủ đã ngừng công bố dữ liệu này, tình trạng thất nghiệp của giới trẻ vẫn là một vấn đề nan giải.

Tháng 7/2024, tỷ lệ thất nghiệp được ghi nhận ở mức 17%, trong khi thị trường lao động chuẩn bị đón nhận gần 11,8 triệu sinh viên vừa tốt nghiệp.

Hệ lụy của "thế hệ đuôi chuột"

Yun Zhou, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Michigan (Mỹ) nhận định: "Khi thất nghiệp kéo dài, một số thanh niên phải về quê sống dựa vào cha mẹ và trở thành “những đứa trẻ toàn thời gian'".

Nhiều năm nỗ lực học tập nhưng "những đứa trẻ đuôi chuột" cay đắng nhận ra bằng cấp không còn là tấm vé đến thành công trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm. Họ buộc phải hạ thấp kỳ vọng, chấp nhận làm công việc trái ngành, lương thấp hoặc thậm chí sa vào con đường phạm tội để mưu sinh.

Chính phủ Trung Quốc kêu gọi mở thêm nhiều kênh tuyển dụng phục vụ lao động trẻ và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy tuyển dụng. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa thể xoay chuyển tình thế.

Trong khi chờ đợi những giải pháp hiệu quả hơn, thế hệ "đuôi chuột" vẫn phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của thị trường lao động và tìm cách thích nghi với hoàn cảnh mới.