Chờ...

Thời trang secondhand: Xu hướng bảo vệ môi trường của giới trẻ ngày nay

(VOH) – Giới trẻ đang có xu hướng sử dụng đồ secondhand không chỉ vì giá thành rẻ, phong cách độc, lạ mà còn vì bảo vệ môi trường tự nhiên đang dần bị tàn phá.

Ngày nay, thời trang nhanh hay còn được gọi là quần áo rẻ, là tất cả các thể loại quần áo lấy mẫu thiết kế từ các sàn catwalk hoặc người nổi tiếng rồi sao y ra hàng trăm hàng ngàn mẫu bày bán cho người tiêu dùng khắp mọi nơi.

Để có giá rẻ, nhiều thương hiệu đã lựa chọn chất lượng sản xuất sản phẩm thấp, chỉ vài lần giặt sẽ nhăn nhúng, co giãn, mất kiểu dáng và phai màu, thậm chí rất nhanh lỗi mốt. Do đó, nếu cứ chạy theo xu hướng thị trường thì vô tình bạn đã hủy hoại thế giới theo cách mà bạn không ngờ tới. 

Hậu quả nghiêm trọng nhất của thực trạng này là việc một số lượng khổng lồ quần áo bỏ đi chất đống tại các bãi rác. Theo trang ABC News, ở đầm phá Korle ở thủ đô Accra, một nước châu Phi có một bãi rác khổng lồ cao đến 20m trong đó chiếm 60% là quần áo thời trang kém chất lượng. 

Thời trang secondhand: Xu hướng bảo vệ môi trường của giới trẻ ngày nay 1
Thời trang nhanh tạo ra sản phẩm quần áo kém chất lượng - Ảnh: Internet 

Đồng thời, các nhà máy may mặc còn là nơi tiêu thụ năng lượng lớn khi cần lượng nhiệt khổng lồ để giặt, làm khô và nhuộm vải. Các hóa chất nhuộm vải nếu không được xử lý theo đúng quy trình có thể gây ô nhiễm nguồn nước, sông, suối trong bán kính gần nhà máy. 

Có thể thấy, ngành thời trang là ngành gây ô nhiễm môi trường nhất thế giới hiện nay. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính và các tác động tàn phá môi trường.

Hiện đã có nhiều giải pháp được kêu gọi và thực hiện từ phạm vi nhỏ đến lớn nhằm cải thiện phần nào những tác hại mà ngành thời trang đang mang lại cho môi trường. Trong đó, xu hướng tái sử dụng đồ cũ – đồ secondhand đã và đang trở thành trào lưu được giới trẻ lựa chọn. 

Trong những năm gần đây, thời trang secondhand dần chiếm được ưu thế với người trẻ vì chất lượng sản phẩm cũng như giá trị tinh thần mà nó mang lại. Bên cạnh những yếu tố như giá rẻ, không đụng hàng, chất lượng tốt, thì việc sử dụng đồ secondhand còn là cách để mỗi người góp một phần công sức trong việc bảo vệ môi trường.

Đồ secondhand có thể hiểu là “mặc lại đồ cũ”, đây là các thể loại đồ đã qua sử dụng sau đó bán lại cho người khác. Đồ secondhand có nguồn gốc từ nhiều nơi như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… 

Khoảng 3 năm trở lại đây, nhu cầu tìm đến và sử dụng đồ secondhand của giới trẻ ngày càng nhiều. Thực tế cho thấy, độ tuổi khách hàng tìm đến những sản phẩm này đang dao động khoảng từ 18 – 27 tuổi. 

Thời trang secondhand: Xu hướng bảo vệ môi trường của giới trẻ ngày nay 2
Cửa hàng thời trang secondhand của bạn trẻ 9X Nguyễn Hoàng Ý Vy

Là một người luôn quan tâm đến vấn đề môi trường, bạn Nguyễn Hoàng Ý Vy (25 tuổi) – chủ một cửa hàng thời trang secondhand lâu năm tại Sài Gòn chia sẻ: “Khoảng 5-6 năm trước, mình bắt đầu có ý tưởng tái sử dụng quần áo thời trang cũ vì mình nhận thấy những sản phẩm đó vẫn có thể sử dụng lại nhiều lần. Bên cạnh việc yêu thích thời trang thì yếu tố bảo vệ môi trường là động lực giúp mình mở rộng thương hiệu thời trang secondhand đến với mọi người”. 

Mỗi ngày, Ý Vy tìm kiếm các nguồn cung quần áo cũ, sau đó làm sạch và phân loại để bán tại cửa hàng với mức giá rất rẻ. Hình thức bán hàng này của Vy được rất nhiều người đón nhận vì mỗi phẩm tại đây luôn đảm bảo chất lượng, có một không hai, thậm chí nhiều bạn trẻ có thể thỏa thích sáng tạo theo cách riêng của mình.

 “Mình tìm đến đồ secondhand vì nó đa dạng, độc lạ, lại có giá thành khá rẻ. Chất liệu của những sản phẩm này vô cùng tốt so với các mặt hàng thời trang nhanh hiện nay” – Ý Vy cho biết. 

Thời trang secondhand: Xu hướng bảo vệ môi trường của giới trẻ ngày nay 3
Những sản phẩm secondhand sạch, đẹp như một sản phẩm mới 

Đồng ý với quan điểm trên, bạn Thanh Hoàng (27 tuổi, tại Tân Phú) cho biết, bên cạnh việc giảm rác thải, hạn chế sử dụng túi nilon thì lựa chọn quần áo secondhand cũng là cách giúp bạn góp một phần để bảo vệ môi trường sống hiện nay. “Mình muốn kéo dài tuổi thọ của mỗi một sản phẩm quần áo để tận dụng triệt để giá trị của nó thay vì cứ mua mới từng sản phẩm rồi lại bỏ đi khi qua mốt”.