Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tinh hoa từ Đất, tinh xảo từ Người: Sứ mệnh gìn giữ văn hóa Việt

VOH - Hành trình ông Lý Ngọc Minh, bắt đầu từ một triển lãm khi còn bé, khơi dậy đam mê với gốm sứ, dấn thân cả cuộc đời viết lên câu chuyện Gốm sứ Minh Long. Cuộc trò chuyện với Nhà báo Công Vinh.

Khởi nguồn cảm hứng từ triển lãm gốm

*Host: Ông có thể chia sẻ về cơ duyên đưa ông đến với nghề gốm sứ?

Ông Lý Ngọc Minh: Ban đầu, tôi cảm nhận đây là một cơ duyên đến với mình, chứ không phải là mình chủ động tìm kiếm. Hồi nhỏ, tôi cũng không hề biết sau này mình sẽ làm gì. Tình cờ, khi khoảng 10-12 tuổi, tôi được bố dẫn đi xem một triển lãm nhỏ ở làng. Không ngờ trải nghiệm đó lại gieo vào tâm trí tôi một hạt giống để sau này bén duyên với nghề gốm.

Lúc xem triển lãm, tôi nhận thấy làng gốm quê mình còn nhiều hạn chế, sản phẩm khá thô sơ, như những chiếc chén sành đơn giản. Tôi nghĩ rằng lớn lên sẽ làm một điều gì đó để cải thiện nghề gốm quê nhà.

Khi đi học, tôi gặp một người bạn cùng quê tên Long. Chúng tôi đều đam mê khám phá gốm sứ, nên quyết định lập một phòng thí nghiệm nhỏ, tự nghiên cứu suốt 3-4 năm. Đến lúc có kết quả, tôi và người bạn cùng mở công ty khi chỉ khoảng 18-20 tuổi. Dù quy mô công ty lúc đó còn rất nhỏ, niềm tin và hoài bão là động lực chính để chúng tôi tiếp tục hành trình.

Đến năm 1980, công ty bắt đầu tách ra khi mỗi người có định hướng khác nhau. Minh Long từ đó được hình thành và đi vào sản xuất gốm mỹ thuật. Tuy ban đầu chỉ có một xưởng nhỏ nhưng chúng tôi vẫn duy trì sản xuất, dần dần có chút thành tựu. Sau này, nhờ chính sách mở cửa của nhà nước, chúng tôi bắt đầu xuất khẩu sang thị trường châu Âu, đặc biệt là Pháp.

Đến giai đoạn thử thách mới vào khoảng năm 1995, khi tôi có điều kiện tài chính hơn và muốn thực hiện giấc mơ từ thuở nhỏ, sản xuất các sản phẩm gốm sứ chất lượng cao. Được truyền cảm hứng từ câu chuyện của một vị lãnh đạo tỉnh, tôi quyết tâm thực hiện “cuộc cách mạng” trong nghề gốm, hướng đến tạo ra sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Tôi nghiên cứu sâu hơn bằng cách học hỏi công nghệ từ nhiều nước tiến tiến như Nhật, Ý, Pháp, Anh, Đức và cuối cùng chọn công nghệ của Đức cho nhà máy của mình.

Qua thời gian học hỏi và thực hiện đúng kỹ thuật, cùng với kinh nghiệm tích lũy, tôi đã xây dựng nên thương hiệu Gốm sứ Minh Long như ngày nay.

*Host: Chắc hẳn Gốm Sứ Minh Long đã trải qua nhiều khó khăn. Ông đã làm gì để vượt qua những thử thách đó?

Ông Lý Ngọc Minh: Tôi cũng không ngờ rằng Minh Long sẽ đạt được như ngày hôm nay. Tôi làm nghề xuất phát từ niềm vui, đam mê của một người yêu gốm sứ. Nhờ đam mê đó, tôi gặp hết cơ duyên này đến cơ duyên khác, học hỏi từ nhiều người và nhiều nơi.

Ngày đầu, khi tôi đến các quốc gia làm gốm sứ nổi tiếng, tôi thấy cách họ sử dụng các lò con thoi nhỏ để sản xuất đồ gốm mỹ thuật. Khi sang Đài Loan, tôi học được cách làm của họ, rồi qua Hàn Quốc tôi cũng tiếp thu thêm kiến thức. Đến lúc có tham vọng lớn hơn, tôi quyết định sang Nhật Bản. Ở Việt Nam, hàng gốm Nhật được ưa chuộng, nổi tiếng nhất là hãng Noritake. Tại Nhật, tôi được giới thiệu những hãng sản xuất lớn, trong đó có những hãng tôi từng nghĩ là chỉ có trong mơ.

Trong những chuyến đi đó, tôi dần hiểu về công nghệ sản xuất gốm sứ của các nước phát triển. Mỗi nơi lại có ưu điểm riêng, nhưng tôi nhận ra rằng để đạt kỹ thuật cao nhất, tôi cần học hỏi từ Đức – nơi nổi tiếng với lò nung công nghệ cao và chính xác nhất. Ở đây, họ có thể nung gốm ở nhiệt độ lên đến 1380°C, điều mà các nước khác chưa đạt được. Công nghệ nung nhanh và chính xác của Đức giúp tiết kiệm thời gian đáng kể, chỉ mất khoảng 7-8 giờ.

Tôi nhận ra rằng, nung là khâu khó nhất trong sản xuất gốm, đòi hỏi công nghệ chính xác cao. Chính vì vậy, tôi quyết định chọn công nghệ của Đức, nơi sản xuất lò nung được cả thế giới công nhận. Ngay cả Mỹ và Nhật cũng phải nhập lò từ Đức cho các công nghệ cao như pin, vi mạch.

Tất cả những quyết định đầu tiên này là nhờ vào may mắn, nhưng lựa chọn cuối cùng vẫn nằm ở bản thân mình. Do đó, quyết định cần sự hiểu biết, kiến thức và kinh nghiệm, cho dù chỉ là một phần trăm cũng rất quan trọng.

z5989087648599_6357acedd6f5ef5bb164a7f58071f547
"Quyết định cần sự hiểu biết, kiến thức và kinh nghiệm, cho dù chỉ là một phần trăm cũng rất quan trọng" - Doanh nhân Lý Ngọc Minh

“Ngọc phải mài mới sáng”, hành trình tạo dựng giá trị nghề gốm

*Host: Hiện nay, giới trẻ khởi nghiệp rất nhiều. Theo ông, khởi nghiệp nên làm một mình, cùng bạn thân, hay lập cả công ty có tổ chức?

Ông Lý Ngọc Minh: Thực ra, hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau, không ai giống ai cả. Vì vậy, không thể nói rằng có một lựa chọn cố định cho tất cả mọi người. Đến giờ, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã chọn một con đường cụ thể. Tuy nhiên, khi bắt đầu làm một việc gì đó, nếu có một người bạn đồng hành, có thể sẽ giúp mình vượt qua những lúc khó khăn. Việc trao đổi ý kiến với một người bạn hoặc một nhóm cùng chí hướng sẽ giúp giảm bớt cảm giác chán nản ban đầu.

Nhưng nếu ai đó có quyết tâm lớn, một mục tiêu rõ ràng và niềm tin vào bản thân, tôi tin rằng họ vẫn có thể đi một mình mà không gặp trở ngại gì. Điều quan trọng nhất là có đam mê và niềm tin, đó là nền tảng để đạt được thành công.

*Host: Ông đã nói niềm tin là yếu tố quan trọng để xây dựng thương hiệu. Vậy làm sao để có được niềm tin đó?

Ông Lý Ngọc Minh: Khi lớn lên, mỗi người đều có một đam mê riêng, khi mình say mê một điều gì đó, sẽ tự nhiên có xu hướng yêu thích và muốn theo đuổi nó. Đam mê đó sẽ đánh thức tố chất bên trong mỗi người.

Khi ta được tạo hóa ban cho những tiềm năng, cộng với niềm tin vào bản thân, đó chính là nền tảng của quyết tâm. Niềm tin này là động lực giúp mình đưa ra quyết định kiên trì với mục tiêu của mình, và tin rằng mình sẽ đạt được nó. Điều đó thực sự là rất quan trọng.

*Host: Theo ông, giữa truyền thống gia đình, tố chất bẩm sinh và ảnh hưởng của môi trường xã hội, bạn bè, yếu tố nào tác động nhiều nhất đến sự hình thành Nhân ở mỗi người?

Ông Lý Ngọc Minh: Tôi nghĩ nhiều người thường cho rằng may mắn là do hoàn cảnh, hay do mình tình cờ đọc được một cuốn sách, hoặc có cơ hội đến trường học. Nhưng khi trưởng thành, tôi nhận ra cơ duyên chỉ là một phần. Mỗi người đều sinh ra với một sứ mệnh riêng, gắn liền với tố chất bên trong.

Tố chất ấy như một viên ngọc hoặc một hòn đá. Nếu đã là ngọc, thì mãi là ngọc, còn nếu là đá thì qua ngàn năm vẫn chỉ là đá, không thể thành ngọc. Nhưng dù là đá quý, nó vẫn cần được mài giũa. Tức là cần có cơ hội học tập, dù là tự học hay được đi học, để phát huy tiềm năng. Được học hỏi chính là gặp được “người thợ ngọc” có thể mài giũa đúng cách, để viên ngọc tỏa sáng.

Và việc nó có tỏa sáng hay không còn phụ thuộc vào những cơ duyên khác – gặp được người biết trân trọng, đến được nơi thích hợp, hoặc đơn giản là may mắn xuất hiện đúng lúc. Đây là những yếu tố không phải mình muốn là có thể đạt được.

*Host: Ông nói “Ngọc phải mài mới sáng,” chắc hẳn cũng liên quan đến gốm sứ của ông — từ đất sét được nhào nặn thành bộ đồ gốm là cả một kỳ công. Vậy làm sao ông có thể đưa mỹ thuật và thổi hồn vào sản phẩm gốm sứ Minh Long để mọi người cảm nhận?

Ông Lý Ngọc Minh: Tôi có thể kể lại. Nhưng như đã nói, tố chất là điều bẩm sinh. Mình phải có những tố chất phù hợp với công việc mình muốn làm thì mới thực sự tạo nên giá trị, chứ nếu không, nó sẽ không thể tỏa sáng. Ví dụ như tôi, từ bé đã đam mê nghề gốm sứ và cũng say mê nghệ thuật. Tôi yêu thích những làn điệu dân ca, những câu hát, điệu hò, và có tâm hồn của một người nghệ sĩ, biết thưởng thức những bức tranh đẹp, từng nét vẽ mang theo những cảm xúc, và đó là những điều tôi yêu và trân quý.

Tố chất này nằm sẵn trong con người tôi, và khi tôi làm việc, tôi luôn quan niệm rằng sản phẩm mình tạo ra chính là một “đứa con” cần phải được rèn giũa, kỳ công vun đắp, tức là phải có linh hồn và văn hóa bên trong. Khi chuyển sang làm công nghiệp gốm sứ, hay nói cụ thể hơn là làm các sản phẩm gốm, tôi xác định rằng chúng phải mang trong mình linh hồn văn hóa Việt Nam. Nghệ thuật cũng là một dạng ngôn ngữ, và nếu mình đem văn hóa nước ngoài vào sản phẩm thì người Việt sẽ không thấy gần gũi hay hiểu được giá trị thực sự.

Tôi đã bắt đầu nghiên cứu sâu về văn hóa và lịch sử Việt Nam để tìm ra cách biến kiến thức này thành hình ảnh cụ thể, từ họa tiết đến nét vẽ trên sản phẩm. Đó là cả một quá trình đầy thách thức và không hề đơn giản như mình nghĩ. Có những chủ đề, những đề tài mà để thể hiện trọn vẹn có thể mất nhiều năm, thậm chí cả đời người để hoàn thiện.

Bộ-bàn-ăn-23sp-Came-Tứ-Linh-Minh-Long

Hãy là “con Tằm” ăn lá dâu và biết nhả tơ…

*Host: Việc đặt tên cho sản phẩm có giống như đặt tên con người khi sinh ra không? Điều này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của sản phẩm và thành công của cá nhân?

Ông Lý Ngọc Minh: Khi tôi tạo ra sản phẩm, thực tình mà nói, tôi không biết hết mọi thứ. Tôi phải học, và để học được thì phải từ những người giỏi nhất, chứ không thể học từ những người tầm thường rồi mong mình giỏi được. Đọc sách cũng quan trọng, nhưng tôi cho rằng may mắn không phải là tất cả; cần phải biết lựa chọn. Điều đầu tiên tôi làm là đến các thị trường nước ngoài và tham gia hội chợ để tìm hiểu các hãng nổi tiếng và những gì họ làm tốt để học hỏi.

Tôi bắt đầu từ việc hiểu cách làm ra hình dáng sản phẩm, kiểu dáng của sản phẩm nước ngoài và làm thế nào để chúng phù hợp với thị hiếu trong nước. Khi tôi thấy một kiểu dáng phương Tây đẹp, mang về thì người Việt có thể không cảm nhận ngay được, vì sự khác biệt làm họ thấy xa lạ. Giống như một bài hát, nếu nghe nhiều lần mới dần quen thuộc và yêu thích. Đó là điều khiến tôi trăn trở và phải tìm cách làm cho sản phẩm gần gũi hơn với văn hóa Việt Nam.

Tôi đã dành nhiều năm tham quan triển lãm, thu thập tài liệu để nghiên cứu. Tôi hiểu rằng để học hỏi một cách bài bản, tôi cần một người thầy giỏi. Tôi may mắn gặp được một nhà thiết kế nổi tiếng ở châu Âu, người có hai cuốn sách được lưu giữ tại bảo tàng Đức. Khi thấy thiết kế của ông, tôi nhận ra rằng trong tôi có tố chất để cảm nhận cái đẹp. Điều này giúp tôi học hỏi một cách có hệ thống.

Nếu không có người hướng dẫn bài bản, việc tự học sẽ rất khó khăn. Tôi từng nói rằng học một cách có hệ thống thì giống như con tằm ăn lá dâu để nhả tơ, còn bắt chước chỉ là như con bò ăn cỏ. Tôi bắt đầu suy nghĩ và xác định rằng thương hiệu của mình phải bắt nguồn từ chính tôi, không phải từ ai khác. Tôi đã tạo ra những đường nét quen thuộc và đưa vào sản phẩm những gì tốt nhất để hình thành thương hiệu.

Trái với những gì mọi người nghĩ, tôi không muốn làm những sản phẩm thông thường. Tôi đã có sản phẩm thông thường để kiếm tiền, nhưng để tạo dựng thương hiệu, tôi cần một sản phẩm đỉnh cao. Sau 34 năm học hỏi ở châu Âu, tôi đã tạo ra dải sản phẩm cung đình, với mong muốn người tiêu dùng sẽ cảm thấy thân quen.

Khi chọn hình ảnh cho sản phẩm, tôi nhớ đến những chiếc lu nước mà tôi đã gánh nước cùng mẹ từ bé. Đó là hình ảnh rất gần gũi với tôi. Tôi biết rằng một chiếc lu nước phải đổ đầy sáu lần mới đầy. Cái nắp của lu nước được thiết kế giống như mái đình, chùa, tạo ra sự liên kết giữa truyền thống và hiện đại. Để tạo nét hiện đại hơn, tôi đã thêm những chi tiết nghệ thuật từ nước ngoài, nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống Việt Nam.

Tất cả những yếu tố này kết hợp lại để tạo ra dải sản phẩm cung đình mà tôi đang hướng đến.

doanh-nhan-ly-ngoc-minh-voi-san-pham-cua-doanh-nghiep-anh-hoang-anh
"Tôi bắt đầu suy nghĩ và xác định rằng thương hiệu của mình phải bắt nguồn từ chính tôi, không phải từ ai khác. Tôi đã tạo ra những đường nét quen thuộc và đưa vào sản phẩm những gì tốt nhất để hình thành thương hiệu" - Doanh nhân Lý Ngọc Minh.

*Host: Trong trải nghiệm và câu chuyện gốm sứ Minh Long, theo ông, sách vở, người thầy, và trải nghiệm; yếu tố nào ảnh hưởng quan trọng nhất đến nhân cách của ông?

Ông Lý Ngọc Minh: Bản chất con người là những tố chất trời sinh. Mỗi người đều có những tố chất riêng, và tôi tin rằng bất kỳ tố chất nào cũng có thể tạo ra điều gì đó ý nghĩa. Ngay cả khi chỉ là đá, nếu chúng ta khéo léo chạm khắc và làm việc chăm chỉ, chúng ta vẫn có thể tạo ra một tác phẩm có giá trị, không nhất thiết cứ phải là ngọc quý. Vấn đề then chốt là chúng ta có sẵn sàng bỏ công sức để tìm hiểu và phát huy tố chất của bản thân hay không. Tất nhiên, nếu ai đó được sinh ra đã là đá quý thì đó là một lợi thế lớn, nhưng phần lớn chúng ta phải nỗ lực hơn để đạt được giá trị.

Tố chất trời sinh không quyết định tất cả. Chúng ta có thể học hỏi, và nếu có cơ hội, việc học từ trường lớp sẽ giúp ta phát triển. Nếu không, chúng ta phải tự học, tìm những cuốn sách phù hợp với sở thích và quan điểm sống của mình. Đọc sách không phải là để trở thành một phiên bản sao chép, mà là để hoàn thiện bản thân, làm nổi bật tố chất của mình. Mỗi người chỉ có thể đi xa đến vậy; không ai hơn ai cả. Điều quan trọng là tầm nhìn, kiến thức mà chúng ta tích lũy từ việc học hỏi, và đạo đức mà chúng ta hình thành từ tố chất cùng với kinh nghiệm sống.

Kinh nghiệm sống, đặc biệt là trong môi trường làm việc, giúp chúng ta học hỏi từ những người xung quanh, từ đồng nghiệp đến đối tác. Để xây dựng nhân cách, chúng ta cần nhiều yếu tố khác nhau, không thể chỉ dựa vào một yếu tố nào. Tố chất trời sinh chiếm phần lớn, nhưng còn lại là sự quyết định của mỗi người. Ví dụ, không ai biết mình sẽ ra đời như thế nào, cao hay thấp, thông minh hay không. Cha mẹ có thể ảnh hưởng, nhưng khi lớn lên, chính chúng ta chọn bạn bè, nghề nghiệp, và con đường mình muốn đi.

Cuộc sống đầy rẫy sự lựa chọn và ngẫu nhiên. Dù chúng ta có quyết định, có thể gặp phải những sự cố bất ngờ khiến ta không đạt được điều mình mong muốn. Đó là vận mệnh, may mắn hay xui xẻo. Nhưng cuối cùng, sự quyết định vẫn thuộc về chúng ta. Những lựa chọn trong cuộc đời, từ bạn đời đến nghề nghiệp, là do chúng ta tự quyết định. Nếu không, chúng ta có thể mãi mãi đứng yên và không bao giờ thoát ra khỏi tình trạng hiện tại. Như câu chuyện của Nick Vujicic, anh đã vượt lên trên số phận để tạo ra thế giới riêng cho mình, góp phần thay đổi cộng đồng. Mọi thứ bắt đầu từ những quyết định nhỏ, từng phần trăm mà chúng ta nắm trong tay.

z5989087644859_b4d71aba14c4f5517500703f9964b519
Doanh nhân Lý Ngọc Minh trong cuộc trò chuyện cùng Nhà báo Công Vinh tại Nhân Humanity

Nghệ nhân Gốm Minh Long và bài học kế thừa

*Host: Để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, ông nghĩ chúng ta cần làm gì từ trải nghiệm câu chuyện gốm sứ Minh Long, thưa ông?

Ông Lý Ngọc Minh: Thực ra, lúc nãy tôi chỉ nói được một nửa, giờ anh hỏi tôi chia sẻ nửa còn lại là gì? Đó chính là việc thổi hồn vào sản phẩm. Văn hóa hình thành từ con người, và nhân cách của một người được hình thành qua văn hóa, kiến thức, hiểu biết và cách ứng xử. Sản phẩm phải mang thông điệp bên trong, nó phải truyền đạt điều gì đó, nếu không thì chỉ còn lại một hình thể đẹp mà thôi. Sự thể hiện của trang phục và nhân cách của một người sẽ được thể hiện qua cách mà văn hóa được áp dụng lên sản phẩm đó. Để tạo ra sản phẩm, tôi nhận ra rằng chúng ta cần phải có những đột phá, nhưng những đột phá này phải tuân theo quy luật của tự nhiên, không phải chỉ để làm khác biệt.

Tôi nghĩ giá trị của con người là văn hóa, vì vậy sản phẩm cũng cần phải có văn hóa để tạo ra giá trị vô hình. Tôi từng đi nước ngoài để tìm hiểu về văn hóa của các quốc gia khác, và thấy rằng sản phẩm của họ thường bắt đầu từ những vật dụng như chén dĩa, trước tiên là bộ ấm trà. Những sản phẩm ban đầu này tạo ra chuỗi sản phẩm phong phú và giúp hình thành thương hiệu. Mỗi nhà sản xuất đều có những sản phẩm nổi bật để khẳng định thương hiệu, giống như một quán ăn có vài món đặc trưng.

Tuy nhiên, điều tôi nhận thấy là mỗi quốc gia đều có nền văn hóa lâu đời của riêng mình, hình thành từ cung đình, lâu đài hay các đền chùa. Đối với người châu Á, văn hóa của họ cũng được thể hiện qua những biểu tượng văn hóa riêng biệt. Ở Việt Nam, chúng ta cũng cần tìm ra nguồn văn hóa của riêng mình. Thực sự, ban đầu tôi gặp khó khăn trong việc này, bởi không thể chỉ đưa vào một khung cảnh trống rỗng, trong khi những di sản văn hóa đã mai một. Tôi đã cố gắng tìm kiếm cách để kể lại câu chuyện của dân tộc mình, như truyền thuyết về con rồng cháu tiên, gắn liền với văn hóa cung đình và văn hóa dân gian, nhưng vẫn không tìm thấy.

Tôi đã đi rất nhiều nơi, tham quan các lâu đài, đền đài và hội chợ trong suốt 3-4 năm trời. Dù tôi đã hỏi rất nhiều người, từ các nhà sử học cho đến Bộ trưởng Văn hóa, nhưng không ai có thể trả lời tôi một cách đầy đủ và thỏa mãn những gì tôi đang tìm kiếm. Thú vị thay, khi ta thật sự khao khát điều gì và có tâm huyết, cuộc đời sẽ dẫn dắt ta đến những điều mình cần. Tôi cũng thường nhắc đến hai từ “may mắn”. Nhiều người hỏi tôi tại sao lại nói về may mắn, nhưng thực sự, tôi không biết làm thế nào mà tôi lại có được những điều đó.

Dần dần, tôi nhận ra rằng trong cuộc sống, có hai nền văn hóa chính: một là văn hóa của những người giàu có, đẳng cấp, được gọi là văn hóa cung đình, và một là văn hóa dân gian, hình thành từ đời sống thường nhật. Vậy làm thế nào để phân biệt hai nền văn hóa này? Tôi đã đến đền đài để tìm hiểu và nhận ra rằng không có gì thể hiện được nét văn hóa châu Á của chúng ta. Mỗi quốc gia đều chọn cho mình một vẻ đẹp, thường là biểu tượng của một loài hoa hay linh vật đặc trưng. Chẳng hạn, Singapore có con sư tử biển, là biểu tượng cho họ.

Từ đó, tôi quyết định kết hợp những điều này. Tôi đã mời một số nhà sử học để tham khảo ý kiến. Họ đã chỉ ra rằng nhiều hiện vật cổ đã được khai quật. Lúc đó, tôi đã có sản phẩm đầu tiên nhưng vẫn chưa thật sự ưng ý. Một người bạn gửi cho tôi hình ảnh của những cổ vật và tôi nhận ra rằng tổ tiên chúng ta đã kết hợp vẻ đẹp giữa rồng và phượng. Đầu rồng và phượng là hình ảnh khá ổn, nhưng tôi còn phải làm sao để thể hiện phần thân. Đó phải là một sự kết hợp giữa rồng và phượng.

Tôi đã mất ba tháng để tìm hiểu ý nghĩa của những hình ảnh và biểu tượng. Tôi nhận ra rằng những hình ảnh này có liên quan đến văn hóa truyền thống của chúng ta. Tôi đã tạo ra hình ảnh một linh vật, kết hợp giữa rồng và hoa sen, với những cánh sen cách điệu. Kết quả là một bộ sản phẩm mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam. Sản phẩm đầu tiên tôi tạo ra là bình sơn hà, mà từ đó, một số người trong tứ trụ triều đình đã nhận được quà tặng. Đến nay, tôi chưa bán ra một sản phẩm nào ngoài bốn bộ tặng cho các nhân vật quan trọng. Trong tương lai, có thể sẽ có một số sản phẩm được trưng bày và bán tại bảo tàng Minh Long, nhưng số lượng sẽ rất hạn chế. Ai may mắn có cơ hội sở hữu sản phẩm đó thì cũng không biết hình thức bán ra như thế nào.

*Host: Theo ông, để gieo Nhân cho con người và giúp họ tiếp nối nghề nghiệp, chúng ta cần làm gì để giữ gìn những giá trị gia truyền trong khi đã xây dựng được một thương hiệu như vậy?

Ông Lý Ngọc Minh: Trước khi trả lời câu hỏi của anh, tôi muốn nhắc lại rằng tôi còn một điểm chưa đề cập, đó là sản phẩm văn hóa dân gian mà tôi đã tạo ra, mang tên “Hồn Việt”. Thời điểm đó, tôi đã đưa ra một câu slogan là “Hồn Việt trong mỗi nếp nhà”. Tuy nhiên, sau một thời gian suy ngẫm, tôi nhận thấy rằng điều đó chưa thể hiện được cái gì của Minh Long. Vì vậy, tôi đã đổi sang một slogan khác: “Tinh hoa từ Đất, tinh xảo từ Người”. Câu chuyện này được phản ánh trong một bộ phim mang tên “Đất Của Mẹ”. Nếu ai muốn tìm hiểu thêm, họ có thể đến Minh Long, nơi có phòng chiếu phim và yêu cầu xem hộ chiếu để biết rõ hơn về câu chuyện.

Khi anh hỏi tôi cách nào để truyền tải văn hóa và nghề nghiệp đó cho thế hệ sau, tôi xin mượn một câu của người xưa: “Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên”. Điều này giải thích tại sao tôi nói đến hai chữ “may mắn”. Tôi có tâm huyết, ý chí và lòng mong muốn, nhưng không thể chắc chắn rằng những người kế thừa sẽ theo đuổi giống như tôi hay không, và họ có khả năng dẫn dắt câu chuyện này tiếp nối hay không. Hiện tại, các cháu vẫn đam mê và đang tiếp tục công việc, nhưng liệu họ có làm đúng như vậy hay không là một vấn đề khác.

Tôi tin rằng mỗi quốc gia đều có Hiến pháp, và nếu Hiến pháp được xây dựng đúng đắn, nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Hiến pháp tốt thì sẽ ít bị sửa đổi, và chúng ta có thể thấy rằng những quốc gia với Hiến pháp ổn định thường phát triển tốt hơn. Khi tôi bắt đầu xây dựng công ty, tôi đã nhận thức được rằng văn hóa rất quan trọng. Tôi may mắn có nền tảng học vấn và đã đọc hai cuốn sách về văn hóa phương Đông của Nguyễn Duy Cần và văn hóa từ phương Đông đến phương Tây của Nguyễn Hiến Lê. Điều này đã giúp tôi có cái nhìn tổng thể, nhận ra giá trị của cả hai nền văn hóa.

Tôi cũng được nghe một nhà bác học, Lý Chính Đạo, nói rằng văn hóa phương Đông thường mang tính quy nạp, trong khi văn hóa phương Tây mang tính diễn dịch. Hai nhà bác học này đã thành công nhờ vào nền văn hóa của phương Đông. Nếu tôi có nền tảng vững chắc từ phương Đông và được học hỏi từ phương Tây, tôi sẽ có cái nhìn rộng hơn và cụ thể hơn để phát triển văn hóa của mình.

Tôi đang ấp ủ một ước mơ tạo ra một nền văn hóa kết hợp giữa hai phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, liệu ước mơ đó có thể hiện thành thực tế trong văn hóa của công ty Minh Long hay không, thì chúng ta phải chờ xem. Tôi không thể chắc chắn rằng mình có thể làm được hay không.

*Host: Chắc chắn người sáng lập như ông mong muốn con cái tiếp nối. Vậy cần làm gì để gieo hạt giống vào tâm hồn họ từ khi còn trẻ, để những hạt giống ấy có thể nảy nở trong tương lai?

Ông Lý Ngọc Minh: Tôi nói có phần sâu xa một chút, nhưng hy vọng mọi người có thể nhận biết và hiểu được. Tôi đúc kết lại rằng có năm điều mà mình có thể gọi là nguyên lý trong vũ trụ, hay nói cách khác là thế giới quan mà chúng ta hiện nay nhận biết. Có bốn quy luật chính: quy luật nhân quả, quy luật sinh tồn, quy luật mâu thuẫn và quy luật bồi thường. Đây là nhận thức của tôi, và có thể người khác sẽ có cách hiểu khác. Tuy nhiên, tôi nhận thấy bốn quy luật này vẫn chưa đủ để dẫn đến những điều mà chúng ta mong muốn.

Sự tương tác giữa các yếu tố đòi hỏi thêm một nhân tố khác, mà theo tôi tìm hiểu từ Phật học, chính là khái niệm “Nhân duyên”. Nếu không có duyên, thì nhân sẽ không tạo ra quả. Nhiều khi, chúng ta thực hiện hành động mà không thấy kết quả, vì hạt giống chỉ có thể nảy mầm khi đủ điều kiện như ánh sáng, thời tiết và sự chăm sóc. Chúng ta cần có đủ may mắn để nhân có thể ra quả. Nếu không đủ điều kiện, hạt giống dù có được gieo đi cũng không thể phát triển, giống như hạt sen có thể chìm dưới đáy ao hàng ngàn năm mà vẫn không nảy mầm. Tuy nhiên, nếu hạt sen đó có sức chịu đựng đủ lâu, nó vẫn có thể được khai thác và ươm thành cây.

Trong khoa học cũng chứng minh rằng, hạt giống có thể nảy mầm sau nhiều năm nếu điều kiện cho phép. Nhưng liệu nhân của mình có đủ sức chịu đựng và có cơ duyên hay không thì mình không thể biết. Việc gieo hạt giống, tất nhiên, người làm vườn luôn muốn giữ lại những hạt giống tốt và gieo chúng. Nhưng khi đã gieo, việc chăm sóc lại phụ thuộc vào người khác, và liệu hạt giống đó có đủ điều kiện để nảy mầm và tạo ra hoa sen hay không là một câu chuyện khác.

Do đó, chúng ta cứ gieo và làm hết sức mình. Câu chuyện “Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên” khiến tôi không thể khẳng định điều gì trước tương lai.

*Host: Có một nhà triết học đã từng nói con người sẽ gặp định mệnh của mình ngay cả khi cố gắng tránh né nó. Ông nghĩ sao về mối liên hệ giữa nhân duyên và định mệnh như vậy?

Ông Lý Ngọc Minh: Theo tôi, mọi thứ đều có lý do của nó. Như tôi đã nói, 99% là do sự tạo hóa và quy luật của thiên nhiên, nhưng vẫn cần có 1% liên quan đến hành động của bản thân. Bạn có đứng dậy không? Bạn có mặc quần áo không? Bạn ăn gì, gặp ai — tất cả đều là do bạn quyết định, không phải do tạo hóa.

Dù có gặp khó khăn như khiếm khuyết, như Nick Vujicic đã chứng minh, chúng ta vẫn có thể sống tích cực. Trước khi diễn thuyết, Nick đã mời tôi vào nhà thờ để cầu nguyện. Điều đó cho thấy dù chúng ta có khả năng đứng dậy hay không, sức khỏe và trí thông minh đều do trời sinh. Nhưng nếu chúng ta có niềm tin và đặt tâm huyết vào những gì mình làm, đồng thời giữ tâm hồn lương thiện, chúng ta có thể tạo ra những điều tốt đẹp. Có lẽ, chính lòng tốt của chúng ta sẽ thu hút những điều tốt lành trong cuộc sống.

*Host: Nhiều người mong muốn nghề truyền thống của gia đình hay làng nghề được tiếp nối, nhưng nhiều làng nghề lại không thành công. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình về vấn đề này?

Ông Lý Ngọc Minh: Thực ra, người ta thường nói “có thực mới vực được đạo”. Nếu bạn muốn chia sẻ và gìn giữ nghề của mình, trước hết, nghề đó phải khiến người khác yêu thích. Tuy nhiên, ngay cả khi người ta yêu thích, họ cũng phải giải quyết được vấn đề cuộc sống từ nghề đó. Để duy trì nghề nghiệp, nó cần phải thích ứng với thời thế, xã hội và nhu cầu của người tiêu dùng.

Nếu sản phẩm bình dân, nó cần phải phù hợp với cuộc sống hàng ngày. Nếu là sản phẩm cao cấp, nó phải thu hút được tầng lớp trí thức. Còn nếu cao cấp hơn nữa, sản phẩm đó cần mang tính văn hóa cao hoặc nghệ thuật độc đáo để người ta sẵn sàng mua và gìn giữ như bảo vật.

Tất cả phụ thuộc vào trình độ của bạn. Tuy nhiên, nghề phải có sức hút, và sản phẩm được tạo ra phải có sự đam mê, hấp dẫn người khác. Nếu bạn không có gì thú vị và sản phẩm của bạn không lôi cuốn, thì rất khó để tồn tại. Khi đó, nếu bạn muốn người khác theo đuổi nghề của mình, điều đó sẽ trở nên rất khó khăn.

Sống hết mình để đạt được hạnh phúc thực sự

*Host: Theo ông, giữa tiền bạc, tình yêu, cuộc sống, sự nghiệp và sức khỏe; yếu tố nào là quan trọng nhất trong cuộc đời con người?

Ông Lý Ngọc Minh: Khi ngồi trên máy bay, hướng dẫn viên thường nói rằng khi gặp sự cố, điều đầu tiên là phải tự bảo vệ bản thân. Chúng ta cần phải thở, sống trước rồi mới lo cho người khác. Điều này cho thấy rằng bản thân mình là quan trọng nhất. Trong cuộc sống, tôi nhớ một lần tổ chức sinh nhật, có nhiều bạn bè đến chia vui và tôi đã chia sẻ kiến thức của mình. Tôi tặng mỗi người một cuốn sách vì tôi rất quan tâm đến sức khỏe. Lý do là tôi thấy người giàu nhất, khi nằm trên giường bệnh, đã hối hận vì không thể mua lại sức khỏe bằng tiền.

Tôi đã nghĩ ra một câu mà con tôi đã nói để đặt tựa cho cuốn sách tặng bạn bè: Dù bạn làm nghề gì, từ người quét rác đến lãnh đạo đất nước, mục đích cuối cùng vẫn là tìm kiếm hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc sẽ không bao giờ đến nếu bạn không có sức khỏe. Dù có nhiều tiền, nếu không có sức khỏe thì cũng không có hạnh phúc.

Vì vậy, sức khỏe là quan trọng nhất, và nếu không có những người thân yêu chia sẻ cuộc sống với mình, thì mọi thứ sẽ trở nên tẻ nhạt và thiếu ý nghĩa. Gia đình là yếu tố thứ hai. Khi có sức khỏe và gia đình, để duy trì những điều đó, chúng ta cần tiền bạc. Khi đã có tiền, mới có thể nói đến danh vọng và phú quý. Nhưng tôi nghĩ rằng tiền bạc và danh vọng chỉ là ảo ảnh, vì thực tế cuộc sống là tìm kiếm hạnh phúc. Hạnh phúc là điều quý giá nhất trên đời.

Tóm lại, theo tôi, có bốn yếu tố quan trọng: sức khỏe, gia đình, tài chính và hạnh phúc. Trong đó, hạnh phúc là điều quý giá nhất mà chúng ta tìm kiếm.

*Host: Cuối cùng, với sự nghiệp và cuộc đời của ông, nếu phải tóm gọn lại một câu hoặc một đúc kết về cốt lõi hình thành nên Nhân Lý Ngọc Minh và thương hiệu gốm sứ Minh Long, ông sẽ nói điều gì?

Ông Lý Ngọc Minh: Tôi nhớ có một câu nói rằng: “Tăng nhân lực rồi mới tri thiên mệnh”, nghĩa là trước tiên chúng ta phải làm hết sức mình, rồi mới đợi xem điều gì xảy ra. Nếu bạn chỉ ngồi yên mà không mua vé số thì sẽ không có chuyện gì xảy ra cả, đúng không? Vì vậy, hãy cố gắng hết sức và làm điều mà mình yêu thích nhất. Chỉ khi làm những gì mình đam mê, ta mới có thể dốc hết sức lực vào đó.

Trong cuộc sống, tôi thấy rằng việc biến công việc thành một cuộc chơi sẽ mang lại niềm say mê. Chơi một cách say mê có nghĩa là không bị ràng buộc bởi lợi ích, không phân biệt tốt xấu hay đúng sai; chỉ cần cháy hết mình với đam mê mà thôi. Khi bạn làm điều mình yêu thích với sự nhiệt huyết, kết quả cuối cùng sẽ trở nên tốt đẹp. Đó là quan điểm của tôi.

*Host: Chân thành cảm ơn ông!

Doanh nhân Lý Ngọc Minh - Người đàn ông nung cho đất hoá "vàng"

Ông Lý Ngọc Minh, người đứng đầu thương hiệu gốm sứ Minh Long, đại diện tiêu biểu của dòng họ Lý với bốn thế hệ kế thừa và phát triển nghề gốm. Cả cuộc đời sống với niềm đam mê và sự gắn bó thủy chung với đất, ông đã tạo nên một hành trình đầy nhiệt huyết, gặt hái nhiều thành tựu rực rỡ và đưa Minh Long trở thành biểu tượng của sự tinh hoa gốm sứ Việt Nam.

Doanh nhân Lý Ngọc Minh

Năm sinh: 1953, Người Việt gốc Hoa

Quê quán: Tân Phước Khánh

Chủ tịch Công Ty TNHH Minh Long I Nghệ nhân ưu tú

Giải Thưởng:

– Chiến sĩ thi đua cấp bộ ngày 14/06/2005

– Anh hùng lao động năm 2007

– Huân chương lao động năm 2010

– Huân chương lao động hạng 3 năm 1999

– Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu.

– Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2006

– Bằng lao động sáng tạo năm 2004

– Thương hiệu quốc gia 2007, 2010

– Giải vàng chất lượng Quốc Gia 2010

– Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022

 Các sản phẩm được giải thưởng trong nước và quốc tế:

– Huy chương vàng bộ trà Long Thạch Vân – do ban tổ chức hội chợ quốc tế công nghiệp năm 2000

– Huy chương bạc bộ bàn ăn Chim Lạc cao lửa – do ban tổ chức hội chợ quốc tế công nghiệp năm 2000

– Cúp vàng bộ trà Quả Ngọt do Bộ Khoa học & công nghệ và UBND Hải Phòng cấp năm 2004

– Năm 2005, Ông Lý Ngọc Minh và công ty Minh Long I đã tạo ra cúp Rồng Việt để tặng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đem bán đấu giá trong chương trình “Nối vòng tay lớn” vào đêm giao thừa, toàn bộ số tiền thu được dành cho các công trình vì người nghèo.

Nhân bản rồi hãy cập nhật

Bình luận