"Tôn giáo với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái: lý luận và thực tiễn"

(VOH) - Là chủ đề Hội thảo khoa học cấp quốc gia diễn ra vào sáng 24/6/2022.

Sáng nay 24/6, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo - Đạo đức và Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Tôn giáo với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái: lý luận và thực tiễn". Chương trình có sự tham gia của gần 100 đại biểu là các chức sắc đại diện các tôn giáo và các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên. 

Tôn giáo với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái: lý luận và thực tiễn
Các đại biểu tham dự hội thảo "Tôn giáo với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái: lý luận và thực tiễn"

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh môi trường sinh thái nhiều nơi đang bị khai thác quá mức, nguồn tài nguyên sinh học ngày một suy thoái, biến đổi khí hậu đang trực tiếp tác động tiêu cực đến đời sống con người. Bảo vệ môi trưởng sinh thái trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc đặt ra.

Sinh thái học tôn giáo là một trong những nội dung nghiên cứu, giảng dạy của ngành Tôn giáo học ở các trường đại học trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nhằm tìm kiếm mối tương quan chặt chẽ giữa tôn giáo với môi trường sinh thái, khơi gợi những giá trị tôn giáo khuyến khích con người sống thân thiện với môi sinh, duy trì và phát triển hành vi, lối sống đạo đức tôn giáo nhằm thể hiện trách nhiệm của họ đối với cộng đồng, xã hội. Đây chính là đóng góp lớn của giới nghiên cứu tôn giáo hàng chục năm qua.

Theo TS Dương Hoàng Lộc - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo - Đạo đức Trường ĐH KHXH và NV TP.HCM, tại Việt Nam, nhà nước và cộng đồng các tôn giáo đang nỗ lực chung tay bảo vệ môi trường sinh thái đạt nhiều thành quả to lớn, nhiều mô hình tập thể, cá nhân được tuyên dương, lan tỏa lối sống thân thiện và trách nhiệm với môi trường đến xã hội. Vì thế, từ góc độ tiếp cận Sinh thái học tôn giáo, chúng tôi mong muốn có được thật nhiều thông tin khoa học, các dữ liệu thực tế sống động từ các mô hình tham gia đóng góp bảo vệ môi trường sinh thái của các tôn giáo ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung hiện nay.

Hội thảo này được tổ chức nhằm giúp cho đội ngũ các nhà nghiên cứu, giảng dạy Tôn giáo học có cơ hội trình bày những kết quả nghiên cứu, nhất cùng thảo luận với các nhà quản lý, chức sắc tôn giáo nhằm rút ra những đúc kết quí báu về lý luận lẫn thực tiễn về Sinh thái học Tôn giáo ở nước ta hiện nay”, TS Dương Hoàng Lộc nói

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được nhiều tham luận khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn từ một số nhà quản lý tôn giáo đang công tác tại Ủy ban MTTQVN tỉnh Đồng Nai, Ủy ban MTTQVN tỉnh Bến Tre, Ủy ban MTTQVN tỉnh Tây Ninh, Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ,...và nhiều nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu như: Trường Đại học KHXH&NV, Trường Đại học Quốc tế-ĐHQG-HCM, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Kiên Giang, Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM, Viện KHXH Vùng Trung bộ,... Đặc biệt, là các tham luận của  các vị chức sắc tôn giáo thuộc Viện Nghiên cứu Phật học VN, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, Ủy ban đoàn kết Công giáo Thành phố HCM, Tạp chí Cao Đài, BTS TW Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Hội đồng Tôn giáo Bahai’I,... 

Các đại biểu đã cùng nghe và thảo luận xung quanh các tham luận: Sinh thái học tôn giáo - Môi trường là lĩnh vực tâm linh (TS Trần Kỳ Đồng); Triết lý ứng xử với môi trường sinh thái theo quan điểm Phật giáo (TS Thích Hạnh Tuệ); Công giáo Cần Thơ với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái - từ chủ trương của Giáo hội Công giáo đến hoạt động của giáo dân (TS Trần Hữu Hợp); Một số đóng góp của Đạo Cao Đài cho công tác bảo vệ môi trường hiện nay ở Tây Ninh (Ths Nguyễn Thái Bảo); Sinh thái và tín ngưỡng của người Hrê : vai trò của thế giới quan trong lối sống hài hòa với môi trường tự nhiên (TS Nguyễn Thị Thanh Xuyên); Ứng dụng phát triển cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng....