Tết Nguyên đán 2022 là thời điểm Huang Liling, sống ở Quảng Châu, nhận ra mẹ bị khó thở. Cô đã đưa mẹ đến bệnh viện khám. Bác sĩ không phát hiện bất thường và nhận ra cơn khó thở bắt nguồn từ tâm lý. Mẹ Huang tiết lộ đã dùng thuốc trầm cảm.
Cô gái cho biết mình rất ngạc nhiên vì điều này. Huang sống cách nhà mẹ ruột 5 giờ lái xe, hoàn toàn không biết về vấn đề sức khỏe của bà. Mẹ cô được chẩn đoán mắc trầm cảm năm 2021, sau khi trải qua 2 tuần mất ngủ và khó tiểu.
Sau khi phát hiện nguyên nhân, Huang đề nghị mẹ đi điều trị nhưng bà từ chối do chi phí điều trị đắt đỏ. Năm ngoái, cô mới thuyết phục được bà đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Trong buổi khám đầu tiên, mẹ Huang ngại và từ chối trả lời một số câu hỏi. Ví dụ như việc bà có định tự tử hoặc nghe thấy tiếng nói trong đầu không.
Buổi thứ hai, bà cố thể hiện trạng thái tốt, tiếp tục giấu cảm giác thật. Bác sĩ xác nhận riêng với Huang đây là triệu chứng mới của trầm cảm. Bà chuyển đến sống cùng con gái ở Quảng Châu nhưng lén dừng uống thuốc.
Từ khi mẹ đến sống chung, Huang tích cực trò chuyện với bà hơn, được bà chia sẻ nhiều điều. Bà có cuộc hôn nhân không thuận lợi, chưa bao giờ nhận được sự hỗ trợ từ bố cô, một người nóng nảy.
Huang nói: "Mẹ tôi cho rằng bà chẳng khác gì góa phụ.Mẹ đã phải chịu đựng lâu đến mức nó hằn thành vết thương".
Trầm cảm đã trở thành vấn đề phổ biến với người cao tuổi Trung Quốc. Khảo sát của Viện Tâm lý học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc cho thấy 19% người trên 60 tuổi có triệu chứng trầm cảm nhẹ, trong khi 12% mắc trầm cảm trung bình và nặng.
Các chuyên gia cho biết thực tế con cái rất khó nhận dạng được tình trạng trầm cảm của cha mẹ. Dù có phát hiện, việc thuyết phục người lớn tuổi đi điều trị tâm lý cũng vô cùng khó khăn.
Trường hợp khác, cha của Yang Kai bị mất ngủ hai tháng hồi năm 2023. Tình trạng mất ngủ xuất hiện sau khi ông trải qua phẫu thuật bỏ khối u ở gan. Dù ca mổ thành công, ông vẫn u buồn, không trò chuyện với gia đình, bạn bè, chỉ đi loanh quanh trong nhà.
Sau khi được chẩn đoán mắc ung thư gan, cha của Yang từ bỏ vị trí giám đốc kỹ thuật ở Bắc Kinh. Ngay cả sau khi phẫu thuật, ông vẫn luôn lo lắng khả năng khối u tái phát.
Trong một lần về thăm nhà, Yang phát hiện bố sụt 15 kg và dùng thuốc an thần. Ông hai lần gọi cấp cứu khi bị đau lưng, đau ngực và vấn đề tiêu hóa nhưng bác sĩ không phát hiện bất thường. Khi đó, Yang nghĩ đến khả năng bố mình có vấn đề ở sức khỏe tinh thần, đưa bố đến khám ở Khoa Y học giấc ngủ thuộc Bệnh viện Đại học Bắc Kinh.
Yang tiết lộ "Bố không phải người duy nhất mắc vấn đề này. Đây là chuyện rất phổ biến".
Bố Yang được chẩn đoán mất ngủ và rối loạn âu lo gây ra do nỗi lo sợ ung thư. Ông nhập viện với mức phí 560 USD mỗi ngày. Yang trấn an bố mình, nói rằng ông hãy xem đây là kỳ nghỉ ở một khách sạn sang trọng.
"Bố cần điều trị một lần dứt điểm thay vì cứ mãi chịu đựng", anh nói. Bác sĩ áp dụng liệu pháp chánh niệm kết hợp dùng thuốc cho ông. Lần thăm gần cuối, Yang vui vì bố đã ngủ được 5 giờ mỗi đêm.
Hồi tháng 3, ông được xuất viện với tâm trạng tốt. Ông trở lại ngành xây dựng và quá trình điều trị giúp bố con họ gần gũi hơn.