Triển lãm Điêu khắc truyền thống: Nơi ươm mầm tài năng

(VOH) - Triển lãm Điêu khắc truyền thống lần thứ 20 đang diễn ra tại ĐH Mỹ thuật TPHCM (từ ngày 29/12/2020 đến 19/1/2021) đánh dấu cột mốc 20 năm một sân chơi ý nghĩa cho lĩnh vực giáo dục Mỹ thuật.

Triển lãm mang đến 55 tác phẩm điêu khắc với đa dạng chất liệu :gỗ, gốm, đá, sắt, đồng, vật liệu tổng hợp. Hầu hết là những tác phẩm từ sinh viên đang theo học tại khoa và các tác phẩm khác của những cựu sinh viên chung vui. Một số tác phẩm đã có người mua ngay tại triển lãm và một số khác đang trong vòng đàm phán.

Triển lãm Điêu khắc truyền thống-voh.com.vn
Tượng Cha chở con gái của tác giả Phan Lê Vương đã được khách tham quan mua ngay tại triển lãm.

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Ánh – nguyên phó trưởng khoa Điêu khắc là người đã nghĩ ra “sân chơi” có ý nghĩa này cho sinh viên. Thầy cố gắng mỗi năm thực hiện một triển lãm điêu khắc để các em sinh viên có cơ hội thực hành những gì đã học. Mỗi sinh viên đóng góp 5 tác phẩm điêu khắc cho một lần triển lãm. Dưới sự dìu dắt của thầy cô, sinh viên ứng dụng lý thuyết và thực hành bài bản và tự tin. “Mục tiêu của triển nhằm giúp sinh viên phải biết làm tượng điêu khắc với đủ loại chất liệu trong quá trình học. Có như vậy, khi ra trường họ sẽ không bị đứt quãng mạch sáng tác”, thầy Nguyễn Hoàng Ánh cho biết.

20 năm qua, nhiều thế hệ sinh viên khoa Điêu khắc đã trở thành những điêu khắc gia giỏi. Những tác phẩm ở triển lãm đem thi thố tại các cuộc thi ngành Mỹ thuật đều có giải cao. Những điêu khắc gia như Nguyễn Hồng Dương, Trần Quang Vinh, Nguyễn Hồng Khôi, Huỳnh Thanh Phú, Trần Văn Bình, Nguyễn Văn Chước,…đều đoạt giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc.

Triển lãm Điêu khắc truyền thống-voh.com.vn
Một tác phẩm tham gia triển lãm

Điêu khắc là một ngành học khó và cực nên mỗi năm chỉ có vài sinh viên theo học. Có sinh viên học giữa chừng thì bỏ vì không thể chịu khó khi đục đá, sắt hay tạo hình những tác phẩm to lớn. Điêu khắc gia nữ hiếm hoi của khoa Điêu khắc – trường Đại học Mỹ thuật  TP, Trần Thị Diệu Phượng cho biết, chị là một trong những sinh viên nữ trụ được với nghề điêu khắc. Sau khi ra trường, song song việc dạy học, chị cũng thường xuyên sáng tác theo đơn đặt hàng. Công trình điêu khắc gây dấu ấn của nữ điêu khắc này là Khu vườn tượng danh nhân ở Làng đại học Thủ Đức. Hơn 10 bức tượng danh nhân là nhà thơ, nhà văn, nhà giáo nổi tiếng của dân tộc như đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, nhà sử học Lê Văn Hưu, nhà bác học Lê Quý Đôn, chí sĩ Phan Châu Trinh, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm. Khu vườn tượng danh nhân được xây dựng tại làng Đại học với mục đích góp phần tạo cảnh quan nghệ thuật giúp sinh viên thư giãn và nhắc nhớ về những người có công với đất nước, những người làm nên một non sông vững bền cho đến hôm nay.

Bình luận