Ngày 20/11, tỉnh Hải Nam chính thức cam kết đưa dịch vụ giảm đau khi sinh vào chương trình bảo hiểm y tế quốc gia.
Động thái này nhằm giảm thiểu chi phí và nỗi lo của sản phụ, đồng thời là bước đi quan trọng trong chiến lược xây dựng "xã hội thân thiện với việc sinh nở".
Tại sự kiện Ngày Toàn cầu Chống lại Đau đớn năm 2022, bác sĩ gây mê Mi Weidong tiết lộ một thực trạng đáng lo ngại khi chỉ có chưa đến một phần ba phụ nữ Trung Quốc được tiếp cận dịch vụ giảm đau khi sinh.
Với vai trò là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu thuốc giảm đau khi sinh do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc chỉ định đã chia sẻ rằng việc giảm đau trong quá trình sinh thường bị hạn chế do hai nguyên nhân chính là lo ngại tác dụng phụ và gánh nặng tài chính áp đảo mà các sản phụ phải gánh chịu.
Để hỗ trợ các cặp vợ chồng, chính quyền Hải Nam còn thông báo sẽ đưa các công nghệ hỗ trợ sinh sản vào hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia, nâng mức hoàn trả chi phí khám thai và ưu tiên chính sách nhà ở cho gia đình nhiều con.
Sáng kiến này phù hợp với chủ trương được ban hành hồi tháng 10, yêu cầu chính quyền địa phương "chịu trách nhiệm trực tiếp" trong việc khuyến khích sinh đẻ.
Những nỗ lực này xuất phát từ thực trạng dân số đáng lo ngại: năm 2023, tỷ lệ sinh chỉ còn 6,39 trên 1.000 người, mức thấp nhất kể từ năm 1949, với số trẻ sơ sinh giảm xuống còn 9,02 triệu, ít hơn một nửa so với năm 2016 và đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp suy giảm.
Các nhà nhân khẩu học từ Viện nghiên cứu dân số Yuwa thậm chí nhận định "sự sụp đổ trong tỷ lệ sinh" không phải là lời nói quá.
Liang Jianzhang, đồng tác giả báo cáo chi phí sinh sản, chỉ ra rằng chi phí nuôi con quá cao là nguyên nhân chính. Nghiên cứu của ông ước tính chi phí trung bình nuôi một đứa trẻ từ khi sinh đến khi tốt nghiệp đại học là 680.000 NDT.
Báo cáo còn chỉ ra chi phí nuôi con trong 18 năm ở Trung Quốc là 538.000 NDT (74.240 USD), gấp 6,3 lần GDP bình quân đầu người. Để so sánh, con số này ở Nhật Bản là 4,26, ở Mỹ là 4,11 và ở Pháp là 2,24.
Hơn nữa, việc sinh con còn tác động tiêu cực đến thu nhập của phụ nữ, với mức giảm lương từ 12% - 17%. Những yếu tố này được coi là rào cản lớn khiến phụ nữ Trung Quốc e ngại sinh con.
Những chính sách mới của Hải Nam được kỳ vọng sẽ là "liều thuốc" giúp Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số, góp phần khuyến khích người dân sinh con và bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong tương lai.