12 hai con giáp có nguồn gốc như thế nào thì cho đến ngày nay vẫn là một vấn đề khó giải đáp một cách chính xác. Hiện nay phần lớn các nhà lý luận đều cho rằng nguồn gốc của 12 con giáp có liên quan đến sự sùng bái vật tổ của người thượng cổ từ thời nguyên thủy.
Người xưa cho rằng: 12 con giáp là 12 loài cầm thú, chim muông, con vật thần linh… con giáp từ Hán Việt là sinh tiếu, sinh tức chỉ năm sinh của con người; tiếu tức chỉ sự giống nhau, đồng dạng tương tự giữa con người và động vật.
Theo truyền thống văn hóa của người Trung Quốc, thì 12 con giáp được dùng để biểu thị năm sinh của con người, đó là Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Người xưa còn cho rằng: Con người sinh vào năm nào thì số mệnh giống như số mệnh của con giáp năm đó, ví dụ như người sinh năm con Chuột thì cầm tinh con Chuột (tuổi Tý), người sinh năm Hợi thì cầm tinh con Heo… Do đó trong dân gian người ta còn gọi mười hai con giáp là mười hai con vật cầm tinh.
Truyền thuyết về Rồng
Theo các nhà nghiên cứu, Rồng (Thìn) chỉ là một con vật tưởng tượng không có thật trong đời sống thực tế, cho dù thực tế cổ xưa đi nữa. Trong 12 con giáp, chỉ có con Rồng là con vật huyền thoại. Rồng không thuộc thế giới động vật mà con người có trong tay để thuần dưỡng, nuôi nấng.
Vì Rồng là con vật tưởng tượng, nên xuất xứ của nó không giống với các con vật khác trong 12 con giáp.
Trong dân gian thì Rồng chính là con vật tượng trung cho linh thiêng và điềm lành. Trong số 12 con giáp thì năm Rồng (tức là năm Thìn ứng với các năm như Giáp Thìn, Bính Thìn, Mậu Thìn, Canh Thìn, và Nhâm Thìn) là năm đại cát, ai tuổi Thìn sẽ thành đạt, vẻ vang phú quý hơn người. Dân gian có câu “mả tang hàm rồng” là chỉ một ai đó có hồng phúc.
Hình tượng con Rồng muôn hình dáng vẻ, màu sắc rực rỡ, không chỉ được thấy trong thơ ca, tiểu thuyết, hội họa, điêu khắc và kiến trúc chùa chiền, đồ mỹ nghệ, trải qua các thời đại, mà nó còn đi sâu vào phong tục tập quán dân gian.
Hiện nay ở trên thế giới theo các nhà khao học thì có một số loài thằn lằn hình thù giống như Rồng thần thoại nên được gọi là Rồng, và họ phân biệt có 4 loại Rồng chính : Rồng đất; Rồng bay (còn gọi là tắc kè bay); Rồng Komodo và Rồng châu Úc (còn gọi là Rồng Cổ lá sen).
Ý nghĩa của rồng trong 12 con giáp
Trong 12 con giáp thì con Rồng (Thìn) đứng ở vị trí thứ 5, nó đứng sau các con vật là Tý (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Hổ), Mão (Mèo) và đứng trước các con vật là Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó) và Hợi (Heo).
Ở phương Đông con Rồng được biểu trưng hóa thành cái tuyệt mỹ tuyệt đối, là biểu tượng cho quyền lực tuyệt đối của chế độ phong kiến, là biểu tượng của hạnh phúc song toàn, trọn vẹn.
Rồng là vật đứng đầu trong 4 loài tượng trưng cho sự phong lưu, sung sướng của con người, gọi là Tứ quý, đó là Rồng, Lân, Rùa, Phượng (Long, Lân, Quy, Phượng). Bốn con vật này tạo ra vẻ đẹp hoàn mỹ, tượng trưng cho thế giới phẩm hạnh trọn vẹn được sắp xếp theo trật tự từ trên trời - dưới đất, trên cạn - dưới nước.
Với người dân Việt Nam, hình tượng rồng được ghép với uy quyền của nhà vua, như áo bào của vua gọi là long bào, sân điện là long đình, xe của vua là long giá, gương mặt vua là long nhan, giường vua nằm là long sàng, thân thể vua là long thể, thuyền rồng để vua du thủy...
Nhìn từ góc độ văn hóa, rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Vì thế, rồng được coi là biểu tượng tâm hồn, tình cảm, sức mạnh, sự phồn vinh của dân tộc.
Ở nhiều di tích, công trình xây dựng, rồng được khắc họa như biểu tượng của sự thịnh vượng, may mắn, là dấu hiệu thuận lợi cho nông nghiệp.
Rồng vừa mang màu sắc kỳ bí của huyền thoại vừa quen thuộc trong dân gian. Trong truyền thuyết, thần thoại của phương Đông, dù cốt truyện có khác nhau nhưng rồng bao giờ cũng ẩn chứa ý nghĩa là một biểu tượng cho sự cao quý tốt đẹp.