Từ khoảng cuối tháng 11/2023, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã bắt đầu nhận đặt chỗ cho khách đi lại dịp Tết. Dù vậy, do nhu cầu đi lại tăng gấp 2-3 lần ngày thường nên chỉ gần một tuần, vé đều đã có người đặt.
Tại nhiều bến xe, vé đi các tuyến từ TPHCM tới các tỉnh thành phố tại miền trung như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định… đã không còn vé giường nằm và xe chất lượng cao limousine từ ngày 24-18 tháng Chạp, hiện chỉ còn ghế ngồi.
Đối với đường sắt, trước nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, Đường sắt Việt Nam đã bổ sung 7.000 vé phục vụ Tết. Hiện tại, vé tàu Tết các chặng TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai về miền Trung cũng căng thẳng khi hầu hầu hết các đoàn tàu đã kín chỗ những ngày cao điểm, các toa giường nằm hầu như đã hết vé, chỉ còn ghế ngồi mềm, ghế phụ.
Riêng chặng TPHCM - Hà Nội rất đông khách. Hiện nay giá vé tàu thấp nhất 1,9 triệu đồng, cao nhất khoảng 2,9 triệu đồng mỗi vé, tăng so với trước do chịu sự tác động của giá nhiên liệu cùng chi phí đầu vào.
Về đường hàng không, dù các hãng bay liên tục tăng chuyến dịp Tết Nguyên đán nhưng nhiều chặng vẫn thiếu vé vào khung giờ cao điểm, nhiều khách phải chọn phương án bay đường vòng. Riêng với đường bay từ TPHCM đến Hà Nội hầu như không còn vé.
Ngày 20/1, Cục Hàng không Việt Nam đã tiếp tục tăng thêm 48 slot cho các hãng bay, tương đương 48 chuyến, khoảng 10.000 ghế/ngày để bổ sung cho các đường bay. Trong đó, ưu tiên các đường bay từ TPHCM đi Pleiku (Gia Lai), Quy Nhơn (Bình Định), Chu Lai (Quảng Nam), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Huế (Thừa Thiên-Huế), Tuy Hòa (Phú Yên), Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hải Phòng, Vinh (Nghệ An).
Theo khảo sát, giá vé từ TP.HCM đi Hà Nội của Vietnam Airlines trong các ngày từ 23 - 29 Tết thấp nhất là 3,5 - 5,3 triệu đồng/vé/chiều hạng phổ thông, cao nhất lên tới 9,5 triệu đồng/vé/chiều hạng thương gia. Với Vietjet, cùng chặng bay tương tự, giá vé "mềm" hơn nhưng cũng khoảng 3,6 - 4,5 triệu đồng/vé/chiều.