Vị trí đặt mâm cúng ông Táo nơi nào mới đúng ?

(VOH) - Theo thông lệ, cứ đến 23 tháng Chạp, nhà nhà lại cúng tiễn ông Táo, ông Công về trời. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách đặt mâm cúng và bài khấn ra sao cho đúng truyền thống dân tộc.

Nguồn gốc lễ cúng tiễn ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo Quân là một vị thần vốn có nguồn gốc từ sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.

Tích xưa, 3 vị thần này được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện - ác của loài người.

Cứ mỗi năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt cho loài người.

Nhiều người Việt ta thường thờ ông Công ông Táo trên bàn thờ gia tiên, nhưng thực tế đây là hai vị thần khác nhau. Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc trong gia đình.

Vị trí đặt mâm cúng ông Táo nơi nào mới đúng ? 1
Không có quy định cụ thể cho các mâm cúng ông Công ông Táo, tuy nhiên người Việt thường chuẩn bị các mâm cúng đầy đủ màu sắc và chỉnh chu để thể hiện tấm lòng của mình - Ảnh minh họa:

Mâm cúng ông Táo, ông Công đặt ở đâu cho đúng?

Ngày lễ ông Công ông Táo - tức 23 tháng Chạp - năm nay rơi vào thứ Bảy (ngày 14/1/2023).

Tùy vào phong tục từng miền, cũng như quan niệm từng vùng mà mâm lễ cúng ông Táo, ông Công có phần khác nhau. Tựu chung, mâm cúng ông Táo luôn đầy ắp màu sắc, với mong muốn một năm sung túc.

Thực tế, không có một tài liệu nào quy định rõ ràng về việc vị trí đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở đâu, tuy nhiên, theo quan niệm của người Việt Nam, cúng bái luôn là một trong những việc yêu cầu sự trang nghiêm, chính vì thế lễ cúng ông Công ông Táo cũng nên được thực hiện ở nơi trang trọng. 

Vị trí đặt mâm cúng ông Táo nơi nào mới đúng ? 2
Mâm cúng ông Táo nên đặt ở nơi riêng biệt, trang trọng - Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia văn hóa, nếu gia đình nào không có ban thờ ông Công ông Táo riêng thì nên thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo ở ban thờ Thần Linh hoặc gia tiên chứ không nên đặt trong nhà bếp, do bếp là nơi đun nấu, không phải nơi thể cúng lễ.

Theo phong tục của ông cha từ xưa để lại, lễ cúng phải được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23/12 Âm lịch.

Văn khấn ông Công ông Táo 23 tháng Chạp

"Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: …Ngụ tại: …

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!

Vàng mã cúng ông Táo:
Mũ ông Táo 3 cái: 2 chiếc dành cho Táo ông loại có cánh chuồn và 1 chiếc cho Táo bà thì không có phần cánh chuồn
Quần áo giấy cho Táo: hai bộ cho nam, 1 bộ cho nữ
Hài Táo Quân: 2 đôi hài nam, 1 đôi hài nữ
Giấy tiền vàng mã

Bài khấn nôm ngày 23 tháng Chạp

"Hôm nay là ngày… tháng… năm.
Tên tôi (hoặc con là)…, cùng toàn gia ở…
Kính lạy đức “Đông Trù tư mệnh Táo phủ Thần Quân: (Có thể khấn thêm: Thổ địa Long Mạch Tôn Thần. Ngũ phương ngũ thổ Phúc Đức chính Thần)

Hàng năm gặp tiết hết năm, tháng vừa cuối Chạp. Gia đình sửa lễ bạc dâng lên. Cảm tạ phúc dày nhờ Thần phù hộ. Kính mong thần tâu bẩm giúp cho:

Bếp trong nếp sống rất hòa, ngoài mặt dám rằng cũng đẹp. Cảm thông xin tấu thực thà.

Cầu mong giúp đỡ lợi lạc. Người người lo ấm, cả nhà thêm tiếng tốt lẫy lừng. Việc việc thành công, một cửa ngút khí lành man mác. Muôn trông ơn đức vô cùng.

Cẩn cáo (vái 4 vái)

Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!"

(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam – NXB Văn hóa Thông tin)