Vụ việc xảy ra trên con đường dài 117 km nối phần còn lại của Trung Quốc với huyện Medog xa xôi thuộc khu tự trị miền núi ở phía Tây đất nước.
Medog từng được biết đến là huyện cuối cùng không có đường bộ của Trung Quốc do điều kiện địa chất khó khăn trước khi đường cao tốc mở cửa vào năm 2013. Con đường được du khách ưa thích vì cảnh đẹp dọc đường đi.

Vào ngày 12/5, một người đam mê du lịch lái xe đến từ tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc đã đăng một video trực tuyến chỉ trích đội xe cứu thương vì đã sử dụng còi hú để ‘mở đường’ trên đường cao tốc.
Người đàn ông có tài khoản là @dayangdelutu cho biết, đường cao tốc chỉ cho phép những chiếc xe có biển số chẵn chạy theo hướng huyện Medog vào ngày hôm đó vì điều kiện đường sá khó khăn.
Không lâu sau khi ra đến đường cao tốc, họ nhìn thấy một chiếc xe cứu thương, với đèn nháy và còi báo động, chạy đến từ phía sau. Họ tấp vào lề đường để nhường xe cứu thương đi qua.
Sau đó, họ đã bị sốc khi thấy chiếc xe cứu thương đỗ tại một điểm du lịch nổi tiếng dọc theo xa lộ. Hành khách trên xe cứu thương đã bước xuống để chụp ảnh.
Họ tiếp tục cuộc hành trình và chẳng mấy chốc, xe cứu thương lại tiến đến từ phía sau, cố gắng dùng tiếng còi hú để vượt lên.
Lần này tài xế không thể nhường đường nữa vì tình trạng giao thông, nhưng tiếng còi xe cứu thương vẫn liên tục vang lên. Cuối cùng, họ yêu cầu xe cứu thương dừng lại để khiếu nại.
Hóa ra, chiếc xe này sử dụng biển số xe được đăng ký tại Tam Á, tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc.
Một người đàn ông bước ra khỏi xe cứu thương và yêu cầu người đăng thông tin dừng lại, sau đó nói rằng ‘chỉ có cảnh sát mới có thể ngăn anh ta sử dụng còi hú’.
Người này cũng khuyến khích người đăng tin báo cảnh sát và họ đã làm như vậy. Cảnh sát sau đó đã đến và tắt còi hú và phạt tài xế 200 nhân dân tệ (720.000 đồng).

Người đăng bài cho biết, anh không có ý định đăng video lên mạng, nhưng tài xế xe cứu thương không thừa nhận sai lầm của mình và thậm chí còn nộp đơn khiếu nại các cảnh sát.
Vào ngày 13/5, Ủy ban Y tế Tam Á thông báo, họ đã đình chỉ công ty vận hành phương tiện này và yêu cầu công ty phải làm rõ các quy định cho tất cả các đội cứu hộ của mình.
Công ty có trụ sở tại Hải Nam, Orient Air Medical Association, là nhà cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp tư nhân - vì lợi nhuận. Chiếc xe liên quan được công ty cử đến Tây Tạng để phục vụ trong thời gian dài.
Trung Quốc cấm các cá nhân hoặc tổ chức phi y tế mua hoặc vận hành xe cứu thương.