Tiêu điểm: Nhân Humanity

Xông đất như thế nào cho may mắn và phát đạt?

VOH - Tục xông đất nghi lễ mang đến sự thịnh vượng, phát tài, phát lộc đầu năm cho gia chủ. Nhưng thực hiện như thế nào cho chuẩn?

Xông đất hay còn gọi là "đạp đất", "mở hàng" là một tục lệ lâu đời trong văn hóa Tết của người Việt. Tục lệ này được xem như một nghi thức mang ý nghĩa tâm linh, ảnh hưởng đến vận khí và sự thịnh vượng của gia đình trong cả năm. Người xông đất được xem là "mở đường", người khai mở vận may cho gia chủ

Vì tầm quan trọng của người xông đất, không ít gia đình phải cẩn thận tính toán để tìm người xông đất sao cho phù hợp với gia đình mình. Các gia đình thường tránh mời những người có tuổi xung khắc với gia chủ hay những người gặp phải vận xui trong năm trước. Họ thường ưu tiên tìm kiếm những người thân, bạn bè hay hàng xóm có tính cách vui vẻ, linh hoạt, thành đạt và sống có đạo đức để nhờ họ đến thăm. Một người xông đất có tâm trạng tốt, khỏe mạnh, thành công sẽ "truyền" năng lượng tích cực cho gia đình giúp mọi việc trong năm mới thuận lợi, hanh thông. Ngược lại, nếu người xông đất có những yếu tố không phù hợp như tâm trạng buồn bã hay gặp phải xui xẻo thì theo quan niệm dân gian, điều đó có thể kéo theo những điều không may mắn.

Những lời chúc tốt đẹp mang thông điệp về sức khỏe, tài lộc và sự bình an trong năm mới.

Lễ xông đất thường diễn ra ngay sau khi gia chủ mở cửa đón năm mới. Khi bước vào nhà gia chủ, người xông đất thường ở lại tầm 10 - 15 phút và gửi những lời chúc đầy may mắn, ý nghĩa, mở ra cơ hội và thịnh vượng cho gia chủ. Nếu nhà có ông bà, cha mẹ già, họ sẽ chúc “Bách niên giai lão” hoặc “tăng phúc tăng thọ” như lời cầu xin sức khỏe dồi dào và cuộc sống bình an. Với những gia đình làm ăn chúc những lời như “buôn may bán đắt” hay “làm ăn phát đạt” sẽ là nguồn động lực cho một năm công việc thịnh vượng, tiền tài đầy túi. Còn đối với trẻ nhỏ, lời chúc “hay ăn chóng lớn” hay “học hành đỗ đạt” là mong ước về sự khôn lớn, khởi đầu cho một tương lai sáng lạng.

Cùng với người xông đất, gia chủ cũng chuẩn bị một số nghi thức như mâm cỗ cúng tổ tiên, chuẩn bị những món quà nhỏ để tặng người xông đất như được gia chủ mời trà, nhận bao lì xì hoặc quà Tết thể hiện sự trân trọng đối với những lời chúc và vận may mà họ mang lại.

Tục xông đất được duy trì và xem là phần quan trọng trong năm mới đối với các gia đình Việt nhất là ở các vùng quê, các gia đình truyền thống lâu đời. Trong xã hội hiện đại, tục xông đất không còn được thực hiện một cách khắt khe như xưa. Nhiều gia đình hiện nay chọn người xông đất dựa trên sự vui vẻ, thân thiện và hòa đồng thay vì những yếu tố tuổi tác hay sự nghiệp. Đặc biệt với thời đại công nghệ số, không ít gia đình chọn cách xông đất qua video call nếu người thân ở xa. Dù không trực tiếp bước vào nhà nhưng những lời chúc tốt đẹp vẫn mang đến nguồn năng lượng tích cực, gắn kết tình cảm gia đình trong những ngày đầu năm.

Dù có sự thay đổi theo thời gian, tục xông đất được xem là nét đẹp trong văn hóa của người Việt mang đậm giá trị tâm linh. Có thể xem đây như một sự liên kết giữa những giá trị văn hóa truyền thống và cuộc sống hiện đại tạo nên những khởi đầu viên mãn, mang đến niềm vui và tài lộc cho mọi gia đình trong dịp Tết Nguyên Đán.

Bình luận