Chờ...

Du lịch Nagoya và Hamamatsu, Nhật Bản: Tua mở khi nào, đăng ký đâu?

(VOH) - Với mục tiêu hướng tới du lịch an toàn, tiết kiệm, đại diện hai thành phố mong muốn có thể triển khai nhiều chương trình hỗ trợ và ưu đãi của các đối tác địa phương một cách linh hoạt nhất.

Ngày 20/1 tới, Cơ quan phát triển và xúc tiến du lịch Thành phố Nagoya, tỉnh Aichi và Cơ quan phát triển và xúc tiến du lịch thành phố Hamamatsu, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản sẽ tổ chức Hội thảo, nhằm quảng bá hai địa phương nổi tiếng về du lịch ở miền Trung Nhật Bản với thị trường du khách TPHCM.

Hội thảo dự kiến thu hút 30 doanh nghiệp là các Công ty du lịch có thị phần du khách outbound hàng đầu của TPHCM. Trong khuôn khổ hội thảo, các đơn vị sẽ được nghe 2 Thành phố này giới thiệu các chính sách ưu tiên, hỗ trợ cũng như các điểm đến mới ở Nagoya và Hamamatsu.

quảng bá du lịch, ngày 14 tháng 1 năm 2021
Ảnh minh họa

Nagoya và Hamamatsu là nơi có cảnh đẹp và tài nguyên thiên nhiên, ẩm thực phong phú của miền Trung Nhật Bản, đặc biệt là khu vực miền Trung nơi có sân bay quốc tế Chubu tại Nagoya. Thông qua buổi hội thảo trực tuyến lần này, hai thành phố cho biết họ luôn mong muốn đón tiếp du khách từ Việt Nam sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Với mục tiêu hướng tới du lịch an toàn, tiết kiệm, đại diện hai thành phố mong muốn có thể triển khai nhiều chương trình hỗ trợ và ưu đãi của các đối tác địa phương một cách linh hoạt nhất tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong năm 2021.

Theo thống kế, cho đến tháng 12/2019 trước khi dịch bệnh hoành hành, Nhật Bản đã đón tiếp gần 500.000 lượt khách từ Việt Nam, đứng đầu mức tăng trưởng trên Thế giới vào Nhật Bản. Riêng tại sân bay quốc tế Chubu đã đón gân 65.000 lượt khách, chiếm 13% thị phần inbound từ Việt Nam sang Nhật Bản.

Khu vực miền Trung Nhật Bản, ngoài việc được biết đến như là cái nôi của ngành công nghiệp sản xuất và chế tạo nổi tiếng, với rất nhiều công ty sản xuất xe hơi tầm cỡ quốc tế đặt trụ sở chính tại đây, như Toyota, Honda và Suzuki… Thêm vào đó, Aichi và Shizuoka còn là nơi hội tụ nhiều tài nguyên thiên nhiên và nhiều địa điểm ghi dấu lịch sử của đất nước mặt trời mọc. Điển hình như việc khu vực Miền Trung còn được ví như cái nôi của văn hóa Samurai tại Nhật Bản sau khi vị tướng quân Tokugawa Ieyasu – một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản - đánh thắng trận Sekigahara (năm 1600 tại tỉnh Gifu, phía Bắc thành phố Nagoya), thống nhất đất nước và mở đầu cho thời đại Mạc Phủ.

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản mới đây cho hay, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố tạm dừng áp dụng chính sách nới lỏng nhập cảnh từ 0 giờ ngày 14/1. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ: tạm dừng cấp visa mới; cho phép các trường hợp đã có visa được nhập cảnh lần đầu muộn nhất trước 0:00 ngày 21/01/2021; tăng cường chế tài đối với người nhập cảnh, bao gồm yêu cầu tuân thủ triệt để 14 ngày cách ly sau nhập cảnh, không sử dụng phương tiện công cộng từ sân bay về nơi cách ly, yêu cầu cam kết thực hiện các nguyên tắc về phòng chống dịch.… Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản khuyến cáo công dân tuân thủ nghiêm túc các quy định của Chính phủ Nhật bản, đặc biệt là các yêu cầu đối với công dân mới nhập cảnh. Trước đó, hôm 13/01, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định bổ sung thêm 7 địa phương, nâng số địa phương áp dụng Tuyên bố tình trạng khẩn cấp và tăng cường biện pháp thắt chặt kiểm soát nhập cảnh phòng chống dịch covid-19 lên 11 tỉnh gồm Tokyo,  Kanagawa, Chiba, Saitama, Osaka, Hyogo, Kyoto, Gifu, Tochigi, Aichi, Fukuoka.