Cũng mang tên "đá đĩa" nhưng khác với Ghềnh Đá Đĩa ven bờ biển Phú Yên, ghềnh đá cổ tại suối Đá Đĩa khu vực làng Vân là một trong những di sản đặc trưng, quý hiếm của địa chất Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng.
Con suối này nằm giữa địa phận của xã Ia Phí & thị trấn Ia Ly, chảy qua nhiều ngôi làng của người Jrai sau đó đổ ra hồ chứa nước của thủy điện Ia Ly. Đặc biệt, đoạn đi qua làng Vân (Plei Vân) bỗng trồi lên một bãi đá cổ, hình thù lạ lẫm chạy dài hàng cây số…
Dòng suối, theo ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Jrai có tên là Jrai Phă. "Jrai" có nghĩa là thác nước, còn "Phă" tức là bể, vỡ, tràn hay tung ra. Phổ biến nhất vẫn là tên gọi Suối Đá Đĩa Gia Lai.
Ở nơi ấy, ven suối là hàng trăm trụ đá hình lục lăng lớn như được phép màu nào đó sắp đặt, nằm cạnh nhau, bằng phẳng và uy nghi như những cột trụ “thách thức” trước sức mạnh của thời gian. Từ trên cao, ghềnh đá trông như những tổ ong không lồ rất độc đáo. Giữa đôi bờ đá là dòng suối mát lạnh, chảy róc rách, len lỏi qua những khe đá. Theo các nhà địa chất, ghềnh đá cổ này đã có từ hàng triệu năm trước.
Vào thời gian này đang là mùa khô, dòng suối lấp xấp, nước trong vắt, hiền hòa như cô gái dân tộc mộc mạc mà chân thành. Khi vùng đất Tây Nguyên bước vào mùa mưa, nước ở suối có pha đất đỏ trông hơi đục song dòng chảy mạnh mẽ, toát lên cái khí chất của đại ngàn.
Nếu có thể, bạn hãy một lần đến với Suối Đá Đĩa Gia Lai để cảm nhận sự khác biệt, thả mình vào tiếng rì rào của nước, tiếng con chim Phí véo von trên ngọn Kơnia và thêm yêu thương, trân trọng mỗi mét đất quê hương.
Đường đi đến làng Vân khá tốt, dễ đi, ô tô hay xe máy đều được. Nhưng từ làng Vân đi thêm 500m vào sâu tận suối Đá Đĩa thì chỉ có thể đi bộ.