Chùa Phật Tích ra đời vào thời nhà Lý cách đây hơn 1000 năm vì vậy ngôi chùa có bề dày lịch sử lâu đời nhất ở Việt Nam. Cùng với chùa Yên Tử, chùa Phật Tích được coi là nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam. Ngôi chùa là di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng. Hãy cùng VOH tìm hiểu sâu hơn về giá trị của ngôi chùa cổ này nhé!
Đôi nét về chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích hay còn gọi là Vạn Phúc Tự. Chùa nằm dưới chân núi Phật Tích, quay về hướng Nam và nhìn ra sông Đuống lấp lánh. Đây là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời với kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Lý.
Chùa Phật Tích - ngôi chùa cổ linh thiêng đất Bắc Ninh
Lịch sử hình thành
Tương truyền rằng, chùa Phật Tích có nguồn gốc từ Phật giáo Ấn Độ và được xây dựng bởi những vị sư người Ấn vào khoảng thế kỷ đầu trước Công nguyên.
Đến thời nhà Lý, vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi Ỷ Lan đã có những đóng góp quan trọng cho chùa Phật Tích. Ngôi chùa được xây dựng với nhiều dãy ngang dọc để phục vụ cho nhu cầu học tập và cầu kinh của người dân. Đến thời nhà Lê, ngôi chùa được xây dựng khang trang với quy mô lớn và có giá trị nghệ thuật cao do đó được đổi tên thành Vạn Phúc.
Khi kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ngôi chùa đã bị thiêu rụi hoàn toàn sau 300 năm tồn tại thịnh vượng và huy hoàng. Chỉ đến khi hòa bình lập lại, chùa Phật Tích được khôi phục và đến năm 1962 chùa được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá.
Chùa Phật Tích ở đâu?
Chùa được xây dựng trên núi Phật Tích, sườn núi Lạn Kha, đoạn cuối của dãy Nguyệt Hằng, thuộc thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Phật Tích nằm cách Hà Nội 20km về hướng Đông. Từ Hà Nội bạn có thể di chuyển đến đây bằng 2 cách:
- Cách 1: Bạn qua cầu Thanh Trì hoặc Vĩnh Tuy, sau đó thẳng hướng Quốc lộ 1A (Đường cao tốc), rẽ vào đường số 295, đi thêm 7km là tới chùa Phật Tích.
- Cách 2: Bạn đi về hướng Đền Đô bằng đường cầu Chương Dương, qua cầu Đuống rồi hướng về thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. ‘
Trên đường đi, bạn sẽ thấy chỉ dẫn hai bên đường nên sẽ không lo bị lạc đâu nhé.
Tham quan nét đẹp kiến trúc
Chùa Phật Tích được xây dựng bằng gạch nhà Lý trên nền móng chân tháp hình vuông. Kỹ thuật xây móng nền tháp theo nghiên cứu gần giống với kỹ thuật xây móng nền gạch theo kiến trúc nhà Lý ở Hoàng thành Thăng Long. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc “Nội công ngoại quốc”. Phần sân chú trọng cảnh sắc thiên nhiên với vườn hoa mẫu đơn khoe sắc.
Kiến trúc thời Lý của ngôi chùa được thể hiện qua 3 tầng bậc nền. Những bậc nền này bám vào sườn núi Phật Tích với tổng diện tích lên đến 1.800m2. Phần rìa ngoài được đặt những tảng đá khối hình chữ nhật.
Đường vào chùa Phật Tích
Tương truyền rằng, bậc nền thứ nhất là nơi gặp gỡ mối nhân duyên truyền kỳ “Từ Thức gặp tiên”. Phía bên trái thờ bà Ngọc Am - người cùng với 13 thôn dựng đình trùng tu chùa và bên phải là nhà tổ đệ nhất thờ Chuyết chuyết Lý Thiên Tộ. Một những bảo vật ngàn năm của chùa là Pho tượng của Chuyết công đã kết hỏa lúc đang ngồi thiền.
Bậc nền thứ hai, do bị vùi lấp bởi thời gian nên ngày nay chúng ta không còn được nhìn thấy. Khi đào xuống nền ngôi chùa này để nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều di vật điêu khắc thời nhà Lý và nền móng của một ngôi tháp gạch hình vuông, mỗi cạnh dài 9.1m.
Nền thứ ba cao nhất, có Long Trì (Ao Rồng), cảnh sắc hữu tình, hồ xanh như ngọc nhưng nay đã cạn nước. Cũng tại nền này, 32 ngọn tháp được xây dựng. Được xây dựng vào thế kỉ 17, đây là nơi cất giữ xá lị của các vị sư đã từng trụ trì ở đây. Khi đến tham quan, du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngọn tháp cao nhất - tháp Phổ Quang cao 5.1m gồm đế, khám thờ, hai tầng diềm và mái mui luyện với chóp tròn.
Ngoài ra, chùa Phật Tích còn nổi tiếng bởi những những tác phẩm điêu khắc thời nhà Lý còn được giữ tại chùa cho đến nay. Quan trọng nhất là pho tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh đang ngồi thiền định trên tòa sen, bức tượng cao 1,86m; thêm phần bệ thì đạt 2,69 m. Trên bệ và trong những cánh sen, có những hình rồng và hoa lá, một nét đặc trưng của mỹ thuật thời Lý.
Tượng Phật A-di-đà nhìn từ xa
Ngày nay, chùa Phật Tích có 7 gian tiền đường để đón tiếp du khách. Bên cạnh đó là 5 gian thờ chính và 15 gian khác là khu nhà tổ và nhà thờ Thánh Mẫu.
Kinh nghiệm đi chùa Phật Tích
Hàng năm, chùa Phật Tích Bắc Ninh có 2 lễ hội lớn:
- Lễ hội hoa mẫu đơn: Dựa theo tích về chuyện tình Từ Thức và Giáng Tiên, du khách đến đây thưởng thức hoa mẫu đơn vào dịp đầu năm.
- Lễ hội truyền thống chùa Phật Tích: Kéo dài trong 3 ngày từ mùng 3 đến mùng 5, đặc biệt mùng 4 là ngày lễ chính. Đây là lễ hội tưởng nhớ công lao các vị tiền bối khai sinh và tu tạo chùa.
Lễ hội khai xuân ở chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích được coi là “Đất tổ của nhà Lý”, nơi linh thiêng để du khách thập phương hành hương cầu một năm bình an, cầu tài cầu lộc, năm mới tốt lành. Khi đến đây, bạn có thể ghé qua những ngôi chùa linh thiêng khác như chùa Bút Tháp, chùa Nôm hay chùa Dâu...
Nguồn ảnh: Internet