Đến nay, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Hiện nay, cũng đã tròn hơn một tháng nước ta không ghi nhận thêm ca bệnh dương tính với Covid-19 trong cộng đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng, là cơ sở để Chính phủ triển khai nhiều giải pháp, nhiều chính sách nhằm thúc đẩy khôi phục kinh tế, ổn định sản xuất, trong đó có hoạt động của ngành du lịch.
Cáp treo Hòn Thơm dài gần 8km ở Phú Quốc cũng đã khởi động trở lại để đón khách dịp hè 2020.
Với chủ trương “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” mà Tổng cục Du lịch phát động ngay trong đầu tháng 5 này, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, thị trường du khách nội địa sẽ sớm được phục hồi trong tháng 6 tới. Trên cơ sở đó, căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên thế giới, ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục hoạt động ổn định, duy trì các biện pháp đảm bảo an toàn điểm đến trong nước để đón tiếp du khách quốc tế quay trở lại Việt Nam.
Có thể nói, sau 3 tuần tuân thủ nghiêm ngặt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội nhằm hạn chế, tiến tới ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong cộng đồng, hoạt động du lịch nội địa bị coi như đóng băng. Tương tự, cánh cửa của du lịch quốc tế cũng hoàn toàn khép lại khi dịch bệnh đã mất kiểm soát hoàn toàn đối với thị trường truyền thống của Việt Nam cũng như các điểm đến ưa thích của du khách Việt như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, các nước Tây Âu. Trong khi nhu cầu đi du lịch ngày càng nhiều hơn trong mỗi người thì thời gian giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông đối với các đường bay, đường sắt… càng khiến cho mong muốn đi du lịch của nhiều gia đình trở nên mãnh liệt hơn. Cho đến khi hết giãn cách xã hội, các doanh nghiệp lữ hành khôi phục lại hoạt động của mình trong trạng thái bình thường mới, nhiều gia đình đã rục rịch cho kế hoạch đi khám phá các vùng đất mới.
Bà Trần Thị Thu, quận 4 cho hay: cuối tháng 5 này, gia đình sẽ chọn Đak Nông làm điểm đến. Với hành trình 3 ngày 2 đêm, khu vực Tây nguyên là khu vực an toàn cho chuyến nghỉ mát của gia đình: "Du lịch bị đóng băng quá chồn chân luôn, tôi thấy bức bối lắm. Hằng năm, tôi cũng đi du lịch khá nhiều nơi. Các nơi nước ngoài chưa khai thác được nên tôi chọn tour trong nước…".
Mong muốn đi du lịch là có, song tâm lý của nhiều người vẫn e dè vì dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt trên thế giới. Trước tình hình đó, nhiều công ty lữ hành đã tung ra các tour với giá kích cầu thấp nhất có thể sau khi được sự hưởng ứng tốt từ các hãng hàng không, các nhà hàng, khách sạn trong nước. Điển hình như Saigontoursit, Vietravel, Fiditour đều tung ra gói kích cầu giảm 40 - 50% so với ngày thường…
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó TGĐ Thường trực Công ty Vietravel cho hay: khởi động lại thị trường du lịch trong quý 2 này, Công ty tung ra gói kích cầu giảm giá lên đến 60%. Nếu như trước đây, yếu tố chất lượng, khuyến mại, giảm giá được đặt lên hàng đầu thì nay yếu tố an toàn là điều quan trọng nhất trong việc xây dựng sản phẩm và công tác điều hành: "Chúng tôi dựa trên sự hướng dẫn, các tiêu chuẩn an toàn của Tổng cục Du lịch, của các địa phương và các cơ quan chức năng để xác định tiêu chuẩn an toàn của Vietravel. An toàn ở đây dựa trên 3 tiêu chí: Thứ nhất, Điểm đến an toàn - trong các tour tuyến của mình, chúng tôi sẽ đưa khách đến các điểm đến đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có bị ảnh hưởng bởi vùng dịch. Thứ 2 là Dịch vụ an toàn; Thứ 3, là Nhân viên an toàn. Chúng tôi đã tập huấn cho đội ngũ nhân viên của mình từ người tư vấn, điều hành cho đến hướng dẫn viên đều nắm rõ và hiểu cặn kẽ các biện pháp đảm bảo an toàn cho bản thân và du khách".
Từ trên cáp treo Hòn Thơm, du khách có thể ngắm nhìn thỏa thích cảnh sắc lung linh của biển trời biên giới Tây Nam của tổ quốc.
Tại TPHCM, chiến dịch hưởng ứng sự phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Tổng cục Du lịch bằng việc kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành triển khai các gói kích cầu, giảm giá; xây dựng các sản phẩm du lịch mới và đẩy mạnh truyền thông cho bộ nhận diện thương hiệu du lịch “TPHCM xin chào - Hello TPHCM” cùng với logo mới của ngành là Vibrant.
Bà Võ Thị Ngọc Thúy, PGĐ Sở Du lịch TPHCM cho hay: dự kiến, nếu tháng 6 tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát và Việt Nam mở cửa trở lại đón khách quốc tế, trong năm nay, TPHCM sẽ đón khoảng 4-5 triệu lượt khách. Kịch bản khác, nếu dịch Covid-19 vẫn kéo dài đến tháng 9, lượng khách quốc tế đến TPHCM dự kiến chỉ đạt 2-3 triệu lượt.
"Tôi nghĩ mỗi địa phương đều có hướng đi riêng của mình để hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với TPHCM, trong kết quả nghiên cứu của Chiến lược phát triển du lịch TPHCH, chúng tôi thấy rằng đây là thách thức nhưng cũng là thời cơ để chúng ta khởi động lại ngành và đi theo một định hướng với bộ nhận diện mới của du lịch TPHCM trong thời gian tới. Dự kiến, chúng tôi sẽ làm rõ thế nào là Vibrant. Đó là câu slogan “Vibrant - Every where, Everyone", tức là Sống động từng góc phố, từng con người và cách thức thể hiện cũng khác so với slogan trước đây", bà Võ Thị Ngọc Thúy cho biết thêm.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc Công ty Du lịch AZA cho rằng: các đơn vị giảm giá để kích cầu cần có thời gian lâu hơn để doanh nghiệp lữ hành triển khai quảng bá, thu hút du khách. Bên cạnh, cũng nên cân nhắc lại khẩu hiệu mà Tổng cục Du lịch đưa ra để sức hút của chương trình kích cầu mang lại hiệu quả cao hơn: "Về chương trình truyền thông, tôi nghĩ không nên để khẩu hiệu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” chỉ là khẩu hiệu để hô hào. Phải làm sao cho du khách biết đây là thời điểm vàng để khám phá Việt Nam. Nghĩa là chúng ta phải đưa ra những thông điệp để du khách trong nước thấy rằng ‘đi du lịch trong dịp này họ có rất nhiều cái lợi. Tôi thấy, du lịch Việt Nam còn khó khăn dài dài. Bản thân anh em trong ngành, các hướng dẫn viên còn rất vất vả, làm nhiều nghề tay trái để sống. Do đó, nhà nên làm sao có những chính sách hỗ trợ mà các chính sách này không chỉ có trên TV".
Rõ ràng, những thiệt hại từ Covid-19 tác động đến du lịch là không hề nhỏ. Thống kê chưa đầy đủ của ngành cho thấy, qua gần 3 tháng “ngủ đông”, ước tính thiệt hại của ngành du lịch gần 7 tỷ USD. Riêng trong 3 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt gần 3,7 triệu lượt, giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách quốc tế trong tháng 3 giảm gần 64% so với tháng trước và giảm tới 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, hiện xuất phát điểm du lịch Việt Nam đã về con số 0. Nhưng với việc kiểm soát tốt dịch Covid - trước mắt Việt Nam sẽ kích cầu du lịch nội địa. Tổng cục sẽ tham mưu cho Bộ VH,TT&DL tiếp tục kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch nhằm tiếp sức cho ngành có được chế độ ưu đãi tốt nhất.
"Tôi cũng tán thành việc chúng ta nên thống nhất nên có một cơ chế điều phối nào đó để mức giá được đồng nhất nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm dịch vụ. Về giá điện, Tổng cục Du lịch cũng tiếp tục làm việc với EVN để sắp tới có hỗ trợ giảm giá cho các cơ sở lưu trú theo Luật du lịch 2017. Trong thời gian tới sẽ được hưởng trong vòng 3 tháng. Tôi nghĩ rằng, khi các cơ sở lưu trú hoàn thành bộ tiêu chí theo quy định, sẽ được hưởng chế độ ưu đãi về giá điện và những chính sách phù hợp khác", ông Nguyễn Trùng Khánh nêu ý kiến.
Trong tình hình chung của thế giới, bức tranh kinh tế xã hội bị tác động mạnh mẽ bởi tình hình dịch Covid-19, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ là ngành phục hồi nhanh nhất hiện nay vì nhu cầu đi du lịch của du khách là rất lớn. Với các chính sách giảm giá sâu của các đơn vị lữ hành, chương trình kích cầu du lịch nội địa dự kiến sẽ thành công và việc chuẩn bị đón dòng khách quốc tế đến Việt Nam cũng đã và đang sẵn sàng khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát toát trên thế giới.