Tuần qua, vàng đã có một tuần lễ ổn định sau khi chạm mốc 1.300 USD/ounce. Nhìn chung, giá vàng đã tăng 0,2% trong tuần, với giá vàng tương lai giao tháng 2 giao dịch ở mức 1.289,80 USD.
Số liệu về lạm phát ở Mỹ công bố hôm thứ Sáu được xem là tin tức lớn nhất trong tuần, nhưng lại có ảnh hưởng rất khiêm tốn đối với thị trường kim loại quý do chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 gần khớp với dự báo, giảm 0,1% trong tháng và tăng 1,9% khi tính theo năm.
Ảnh minh họa
Theo chuyên gia cao cấp của Kitco Jim Wyckoff, về lâu dài, bức tranh kinh tế nền này sẽ thuận lợi cho giá vàng, vì với tình hình này Cục dự trữ liên bang Fed sẽ không chuyển sang xu hướng áp dụng chính sách diều hâu, đồng nghĩa với việc sẽ không gấp gáp tăng lãi suất. Fed có khả năng không mở đợt tăng lãi suất nào trong quý I của năm 2019 và dự đoán đang chuyển sang một đợt tăng lãi suất diễn ra trong quý II.
Chiến lược gia toàn cầu Bart Melek của TD Securities cũng nhận định động thái “hòa bình” của Fed là dấu hiệu tốt cho vàng, và các nhà đầu tư cần quan sát kỹ dữ liệu kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn.
Còn theo giám đốc điều hành George Gero của RBC Wealth Management, việc giá vàng phá vỡ mức 1.300 USD và tăng hơn nữa chỉ còn là vấn đề thời gian.
Capital Economics cho biết biến động trong thị trường chứng khoán và trái phiếu sẽ tiếp tục là tác nhân thúc đẩy giá vàng khi hy vọng giá cổ phiếu và trái phiếu sụt giảm sẽ đẩy các nhà đầu tư chuyển sang tìm kiếm các tài sản an toàn.
Vàng đang tìm kiếm đợt tăng tiếp theo lên cao hơn mức 1.300 USD bất chấp số liệu việc làm ở Mỹ tăng mạnh và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài, theo nhận xét của nhà kinh tế hàng hóa cao cấp Ross Strachan của Capital Economics.
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung, chính phủ đóng cửa, Brexit: các tác nhân gây biến động thị trường
Thị trường hiện tại và trong tương lai ngắn hạn vẫn đang chịu tác động từ các sự kiện nổi bật là cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc để giải quyết căng thẳng thương mại, việc chính phủ Mỹ kéo dài thời gian đóng cửa một phần và Brexit.
Cuộc đàm phán giữa hai cường quốc kinh tế dù cho thấy có nhiều tiến triển khả quan, nhưng các chuyên gia nhận định vẫn chưa có gì chắc chắn cho một kết luận cuối cùng. Vì vậy, thị trường vàng vẫn có thể lợi dụng sự rối ren mà cuộc đàm phán tạo ra cho thị trường như một lực nâng.
Cho đến ngày 13/1, một phần cơ quan chính phủ Mỹ đã ghi nhận quá trình đóng cửa dài nhất từ trước đến nay. Là tiền đề để tạo thêm biến động cho thị trường, gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và từ đó có thể tạo ra động lực hỗ trợ đẩy giá vàng.
Ngoài ra, khả năng thời hạn ấn định của quá trình Brexit vào tháng 3 có thể bị dời lại cũng là một tin tức khuấy đảo thị trường. Tuy nhiên, thông tin này sẽ không mấy ảnh hưởng đến thị trường vàng trừ phi nhà đầu tư thực hiện giao dịch vàng bằng đồng Bảng Anh.