Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/1, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết ở mức 84,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 86,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Mức giá này giữ nguyên so với đầu phiên, với khoảng chênh lệch mua - bán là 2 triệu đồng/lượng.
Tương tự, Tập đoàn DOJI cũng niêm yết giá vàng miếng ở mức 84,8 - 86,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 Hưng Thịnh Vượng của DOJI ghi nhận tăng 300.000 đồng ở cả hai chiều, hiện ở mức 85,4 - 86,6 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn tại mức 85,5 - 86,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua và 500.000 đồng/lượng ở chiều bán. Đây là mức giá mua cao nhất trong số các thương hiệu.
Nhìn chung, giá vàng trong nước duy trì đà tăng trong tuần qua, với vàng miếng SJC và các loại vàng nhẫn đều áp sát mốc 87 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco chốt tuần ở mức 2.690,3 USD/ounce, tăng 11 USD so với phiên trước đó và ghi nhận mức tăng hơn 50 USD trong cả tuần qua.
Quy đổi theo tỷ giá của Vietcombank (1 USD = 25.558 đồng), giá vàng thế giới tương đương khoảng 82,83 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí), thấp hơn giá vàng SJC trong nước khoảng 3,97 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tăng trong bối cảnh các thị trường tài chính quốc tế gặp nhiều biến động. Đặc biệt, đồng bảng Anh suy yếu, lợi suất trái phiếu chính phủ Anh tăng cao, và chỉ số chứng khoán nước này liên tục giảm điểm.
Ngoài ra, giá dầu thô tương lai tăng lên gần 74 USD/thùng cũng góp phần hỗ trợ giá vàng. Thông thường, vàng và dầu thô có xu hướng biến động cùng chiều, do đây đều là những tài sản phòng ngừa rủi ro.
Theo các chuyên gia, giá vàng thế giới có thể tiếp tục tăng trong tuần tới, với ngưỡng kỳ vọng vượt 2.700 USD/ounce. Thị trường vàng trong nước dự báo cũng sẽ giữ xu hướng này, đưa giá vàng miếng SJC vượt mốc 87 triệu đồng/lượng.