Như vậy, sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước sẽ gửi thông báo đấu thầu trước 1 ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu.
Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua. Một tiếng sau khi đóng thầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả. Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17 giờ hàng ngày nhận thông báo thầu.
Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.
Phó Tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước lấy vàng trong kho dự trữ ngoại hối ra tăng cung để bình ổn thị trường mà chưa cấp phép nhập khẩu vàng là hợp lý trong bối cảnh tỷ giá tăng cao và dự trữ ngoại hối có hạn như hiện nay.
Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng, với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng (tương đương 69,9 tấn vàng) trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.
Trong số vàng được đấu thầu, có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường.