Thị trường ồ ạt đổ vào tài sản trú ẩn an toàn do căng thẳng Nga - Ukraine, giá kim loại quý tăng

(VOH) – Khủng hoảng Nga-Ukraine đã tạo ra một sự di chuyển lớn vào kim loại quý khi giới đầu tư lo lắng bởi các lệnh trừng phạt áp vào Nga.

Lo lắng nguồn cung ứng bị gián đoạn, các hậu quả kinh tế khó lường và thậm chí lạm phát nghiêm trọng hơn đang đẩy giá các kim loại quý lên mức cao mới trong nhiều tháng khi xung đột giữa Nga - Ukraine căng thẳng.

Người đứng đầu BBH Global Currency Win Thin cho biết: “Tổng thống Putin đang báo hiệu rõ ràng rằng ông ấy không nản lòng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Có vẻ khủng hoảng Ukraine sẽ không sớm kết thúc cũng như toàn bộ tác động của cuộc chiến đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa được xác định. Đó là lý do thị trường đang quay lại tâm lý phòng ngừa rủi ro.

Thị trường ồ ạt đổ vào tài sản trú ẩn an toàn do căng thẳng Nga - Ukraine
Ảnh minh họa: shutterstock

Bạc và vàng

Kim loại có hiệu suất mạnh nhất hôm thứ Ba là bạc khi tăng gần 5% trong ngày, với giá bạc chạm mức cao nhất kể từ tháng 8/2021. Bạc được xem là kim loại biến động nhiều nhất theo bước đà tăng giá của vàng. Giá bạc kỳ hạn tháng 5 trên sàn Comex lần cuối ở mức 25,53 USD, tăng 4,78% trong ngày.

Vàng đang tìm cách đóng cửa phiên giao dịch ở mức cao nhất trong 1,5 năm sau khi tăng thêm 120 USD vào tháng 2. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 trên sàn Comex lần cuối ở mức 1.943 USD/ounce, tăng 2,23% trong ngày.

Vàng (bạc) vẫn là một câu hỏi hóc búa khi có nhiều biểu hiện trái chiều xung quanh sự leo thang các lệnh trừng phạt áp cho Nga và ngân hàng trung ương nước này.

Thị trường đang cố gắng cân bằng tác động hiện tại đối với dòng tiền đổ vào/nguồn cung kim loại so với tâm lý thị trường và tác động đối với lạm phát,” trưởng bộ phận Chiến lược kim loại quý Nicky Shiels của MKS PAMP SA nhận định.

Các yếu tố quyết định xu hướng tăng có lợi cho cả thị trường vàng và bạc bao gồm lo ngại lạm phát đình trệ và lượng vàng mua nhiều hơn từ các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương.

Palladium và bạch kim

Palladium đã có một phiên giao dịch cực kỳ biến động hôm thứ Ba. Sau khi tăng lên trên 2.700 USD/ounce, kim loại quý này giảm 200 USD nhưng vẫn được giao dịch ở mức cao trong ngày.

Trong ngày 1/3, giá hợp đồng tương lai tháng 3 của palladium có thời điểm đạt 2.541 USD, tăng 1,62% trong ngày.

Các chuyên gia phân tích đã xác định palladium là một trong những hàng hóa cần theo dõi nhất trong suốt quá trình diễn ra xung đột Nga - Ukraine vì Nga chiếm 39% nguồn cung tinh chế toàn cầu kim loại này.

Các lệnh trừng phạt đáp trả qua lại đang gây ra nhiều thách thức nghiêm trọng hơn cho việc vận chuyển palladium. EU đã đóng cửa không phận đối với máy bay Nga, trong khi Nga cấm bay nhiều hãng hàng không nước ngoài. Palladium lại thường được vận chuyển bằng máy bay.

Các công ty khai thác mỏ của Nga chẳng hạn như một số nhà sản xuất palladium lớn nhất thế giới đang kiểm nghiệm các tuyến đường vận chuyển thay thế,” Daniel Briesemann, nhà phân tích của Commerzbank cho biết. “Giá palladium sẽ vẫn cao hoặc thậm chí tăng hơn nữa trong ngắn hạn.

Bạch kim cũng tăng 1,51% trong ngày, với hợp đồng tương lai tháng 4 trên sàn Comex giao dịch lần cuối ở mức 1.054,40 USD / ounce.

Theo Commerzbank, lo ngại về nguồn cung sẽ tiếp tục thúc đẩy hàng hóa, bao gồm cả kim loại quý.

Các biện pháp trừng phạt sâu rộng có khả năng làm giảm đáng kể nhu cầu đối với hàng hóa từ Nga dù chúng chưa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt.

Điều này là do ngày càng có nhiều hàng hóa mà người tiêu dùng không muốn mua như dầu mỏ, dầu tự nhiên hóa lỏng. khí đốt, than đá, kim loại và ngũ cốc từ Nga do tình hình pháp lý không chắc chắn”, nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết.