“Cô gái đến tư hôm qua” tham dự Liên hoan phim quốc tế giả tưởng 2017

(VOH) - Bộ phim Cô gái đến tư hôm qua vừa nhận lời mời tham dự Liên hoan phim quốc tế giả tưởng Bucheon (Bucheon International Fantastic Film Festival - BIFAN) lần thứ 21, diễn ra từ ngày 13/7 – 23/7 tại Bucheon, Hàn Quốc. Bộ phim sẽ có lần công chiếu đầu tiên toàn thế giới (world premier) tại BIFAN 2017 trước khi ra mắt khán giả Việt Nam vào ngày 21.07 tới.

BIFAN là một liên hoan phim chuyên trình chiếu và giới thiệu các phim thuộc những thể loại đặc thù và có phần độc đáo (genre films).

Tại BIFAN năm nay, Cô gái đến tư hôm qua tham gia trình chiếu tại hạng mục World Fantastic Blue - hạng mục giới thiệu những bộ phim quốc tế thuộc các thể loại từ khoa học viễn tưởng đến giả tưởng, hài hước và tâm lý mà các khán giả yếu tim vẫn có thể thưởng thức. World Fantastic Blue hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những giây phút thư giãn và giải trí thú vị.

Miu Lê và Ngô Kiến Huy đảm nhận vai chính trong phim.  

Mặc dù đây không phải là hạng mục tranh giải, nhưng Ban tổ chức BIFAN 2017 sẽ vẫn lựa chọn các phim Châu Á trong World Fantastic Blue để trao giải thưởng NETPAC (viết tắt của “Network for the Promotion of Asian Cinema”- “Hệ thống phát triển điện ảnh châu Á”).

Được chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Cô gái đến tư hôm qua không đơn thuần là một bộ phim học trò lãng mạn, hài hước mà còn thu hút khán giả bởi các trường đoạn giả tưởng độc đáo.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng chia sẻ, những trường đoạn giả tưởng hấp dẫn sẽ xuất hiện xuyên suốt bộ phim, trở thành điểm nhấn đặc biệt của phiên bản điện ảnh Cô gái đến tư hôm qua, mang câu chuyện tình ngốc nghếch của Thư vượt ra khỏi những trang sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Khán giả nhất định sẽ rất thích thú khi lạc vào trong thế giới nội tâm vô cùng phong phú và thú vị của Thư Thơ Thẩn qua những phân cảnh tưởng tượng vừa bất ngờ vừa hài hước của bộ phim. Đây cũng chính là lý do Cô gái đến tư hôm qua được mời đến BIFAN.

Hình ảnh giới thiệu bộ phim trên website chính thức của BIFAN 2017.

Bình luận