Cuộc sống hối hả, nhiều khi vô tình người ta thờ ơ với nhau, dù ở trong cùng một nhà hoặc hai nhà chỉ cách nhau một cái hàng rào vì những hiểu lầm không đáng có. Hoặc câu chuyện cha mẹ mong muốn con cái sẽ trở thành một ai đó khác, có vị trí cao hay địa vị trong xã hội chứ không phải hình mẫu mà con trẻ muốn, đang diễn ra hằng ngày trong xã hội hiện nay.
Dù là lần đầu tiên dựng kịch nhưng Mai Thắm đã thật sự mang thêm một niềm hy vọng nữa vào lớp đạo diễn trẻ, một lối dàn dựng rất hiện đại, thông minh.
Một cảnh của vở kịch
Dấu ấn đậm nét nhất của vở chính là diễn viên Thanh Tuấn. Anh thể hiện tròn trịa cảm xúc vai diễn của một ông già đúng chất Nam bộ, bộc trực, khó tính nhưng lại rất đổi thương yêu con cái. Nét duyên hài của Thanh Tuấn mang đến cho khán giả những trận cười nghiêng ngã và cả những giây phút đau đến xé lòng.
Về phần diễn viên cải lương Nhã Thy, dù lần đầu lấn sân sang sân khấu kịch nhưng vai diễn của Nhã Thy được xem là 1 làn gió thanh xuân, dễ thương và hấp dẫn cho vở.
Tuy nhiên vì là diễn không micro, một số diễn viên còn thoại hụt hơi, làm khán giả phải vừa xem vừa “đoán” nên có đôi chút tiếc cho vở diễn. Một số tình tiết còn hơi rề rà, làm giãn nhịp kịch.
Nếu được tinh gọn lại một số cảnh không cần thiết, kịch bản này sẽ lôi cuốn hơn. Nhưng nhìn chung, trong lúc kịch bản hay khan hiếm thì “Trời trao của lạ” của sân khấu 5B, với thông điệp rất ý nghĩa và dàn diễn viên đồng đều, có thể coi là một tác phẩm đáng xem, không chỉ dành cho người trẻ tuổi mà còn cho cả các thế hệ khác trong một gia đình.