Đạo diễn Trần Ngọc Phong và hành trình tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ

TPHCM - Đạo diễn Trần Ngọc Phong có buổi chia sẻ cùng VOH về hành trình làm các bộ phim tôn vinh người chiến sĩ cách mạng qua màn ảnh.

Xuất thân là người lính, trải qua những năm tháng gian khổ trong chiến tranh, đạo diễn Trần Ngọc Phong đã nuôi trong mình ý chí và quyết tâm tái hiện lại hình ảnh của những người chiến sĩ cách mạng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trên màn ảnh Việt. 

dao-dien-phim-040125
Đạo diễn Trần Ngọc Phong tại phòng thu của Đài TNND TPHM - Ảnh: Thủy Tiên

*VOH: Nguồn cảm hứng nào để tên tuổi đạo diễn của anh gắn liền với những bộ phim về lịch sử chiến tranh Việt Nam như “Đường Hồ Chí Minh trên Biển”, “Ba người đàn ông” hay “Về đất Thăng Long”...?

Đạo diễn Trần Ngọc Phong: Là một cựu chiến binh của Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi chuyển ngành về hãng phim Giải Phóng vốn là nơi sản xuất những bộ phim về chiến tranh, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và ca ngợi những người lính Cụ Hồ. 

Tại đây, tôi đã được tiếp nối tình cảm và truyền thống đó của hãng phim, được giao làm những bộ phim về quân đội và chiến tranh, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chống Mỹ và chống Pháp. 

Bản thân là một người lính nên khi nhận những dự án phim này tôi đã rất xúc động và quyết tâm làm ra những sản phẩm cho thế hệ sau này có thể hình dung được cuộc chiến tranh anh dũng của cha ông mình để có được nền độc lập hôm nay. 

*VOH: Năm 2025 kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, là một người lính, đạo diễn cựu chiến binh, theo anh, việc làm phim về lịch sử và chiến tranh có ý nghĩa tôn vinh hình ảnh người lính Việt Nam?

Đạo diễn Trần Ngọc Phong: Những bộ phim ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và thể hiện lại chiến tranh, lịch sử thì tôi nghĩ nhà nước nên đầu tư và sự đầu tư phải cao để có những sản phẩm tốt.

Những bộ phim này là những bộ phim giáo dục cho thế hệ trẻ để họ biết được một thời gian hào hùng, một thời gian mà cả nước đều tập trung vào việc cứu nước, nhằm tôn vinh sự hy sinh đó và thế hệ trẻ biết được ông cha ta đã từng sống và chiến đấu, đã từng vì đất nước như thế nào.

*VOH: Theo anh, thành công của một bộ phim về lịch sử chiến tranh cần phải hội đủ những yếu gì?

Đạo diễn Trần Ngọc Phong: Để làm nên một bộ phim về chiến tranh lịch sử thì đạo diễn, nhà biên kịch phải có thời gian, kinh nghiệm, vốn sống về cuộc chiến đã qua, về thời điểm lịch sử đó, phải tìm hiểu và có sự đầu tư về kịch bản và cơ sở vật chất, để làm sao thể hiện được các góc cạnh của một cuộc chiến, tâm hồn và sự hy sinh của người lính.

Thấm được điều đó thì mới có thể làm được, và tất cả những bộ phim này phải được sự đầu tư của nhà nước một cách chỉn chu, có như vậy thì khán giả nước ngoài xem mới thật sự hiểu và thấy được độ gian khổ, sự vươn lên của những người anh hùng dân tộc Việt Nam. 

Gần đây một số hãng phim tư nhân họ không đủ lực, không đủ tài chính để làm những bộ phim này một cách hoành tráng và có tính giáo dục cho thế hệ trẻ, nên chúng ta rất cần sự đầu tư của các ngành, các cấp để có thể có những tác phẩm có giá trị về nghệ thuật và truyền thống, để khán giả nước ngoài có thể công nhận đó là những sản phẩm lịch sử.

dao-dien-phim-040125-2
Đạo diễn Trần Ngọc Phong trong một số cảnh quay ngoại cảnh về chiến tranh Việt Nam - Ảnh: Thủy Tiên.

*VOH: Xin anh chia sẻ thêm về những năm tháng đời lính của mình trước khi đến với hãng phim Giải Phóng?

Đạo diễn Trần Ngọc Phong: Tôi xuất thân là một người lính thời điểm năm 1979, thời kỳ gian khó, nhưng tôi luôn tâm niệm rằng phải hoàn thành sứ mệnh, nghĩa vụ của một người lính, người sĩ quan, sao cho mình không hối tiếc, để sự hy sinh của mình có giá trị cho đất nước. 

Khi chuyển về hãng phim Giải Phóng thì tôi được theo học hỏi với vai trò phó đạo diễn cho các đạo diễn nổi tiếng như NSND Huy Thành, NSND Hồng Sến, NSƯT Lê Dân, NSƯT Việt Linh..., đó là những người đã bước qua cuộc chiến tranh, họ đã có những tư duy và họ trực tiếp tham gia những cuộc chiến tranh đó, nên tôi học tập được từ họ rất nhiều. 

Hãng phim Giải Phóng là nơi đã cho ra đời những bộ phim chiến tranh lịch sử rất nổi tiếng như “Cánh đồng hoang”, đến nay 40 – 50 năm mà chúng ta xem lại vẫn thấy sự hoành tráng và chỉn chu, họ làm phim với một tinh thần rất trân trọng lịch sử, họ đã làm tất cả để phục hiện lại những cuộc chiến trong lòng địch. 

Sau này khi tôi làm những bộ phim của cá nhân mình với vai trò đạo diễn như “Bông hồng trà” (ca ngợi những chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng địch), hay “Đường Hồ Chí Minh trên Biển” (ca ngợi chiến công của các đoàn tàu không số chuyển vũ khí vào Miền Nam)... đã có sự thành công, được khán giả đón nhận.

*VOH: Trong suốt hành trình làm phim của mình, bộ phim nào đã để lại cho anh ấn tượng nhất?

Đạo diễn Trần Ngọc Phong: Tôi đã làm rất nhiều phim nhưng bộ phim làm cho tôi ấn tượng và tự hào nhất đó là phim lịch sử “Về đất Thăng Long” nói về cuộc đời vị anh hùng Lý Công Uẩn. 

Bộ phim này được sản xuất trong điều kiện rất khó khăn khi nước ta chưa có những phim trường nội ngoại cảnh về đề tài lịch sử như bây giờ, nên chúng tôi phải cố gắng hết sức để hoàn thành bộ phim 40 tập này để chào mừng đại lễ Nghìn năm Thăng Long, chúng tôi đã phải tự xây dựng 30 nội cảnh trong phim trường của hãng phim Giải Phóng chỉ 1000m2, phải tạo những sân chầu và cung điện, nhà ở của các quan lại..., cứ phải cuốn chiếu liên tục, đang quay cảnh này đã phải dựng cảnh khác.

Đoàn phim phải chia ra thành 2 đoàn, 1 đoàn ra Ninh Bình để quay cảnh non sông hữu tình, 1 đoàn ở lại tìm bối cảnh trong TPHCM, và đã tìm được một số nơi để quay ngoại cảnh tại TPHCM như núi Bửu Long (khá giống Ninh Bình khi lên phim). 

Chúng tôi đã miệt mài một thời gian rất gian khổ, rồi thời điểm đó có tới 5 bộ phim được đầu tư cho Nghìn Năm Thăng Long, nhưng kết quả là “Về Đất Thăng Long” đã được chọn, đó là niềm tự hào rất lớn của chúng tôi, và đây là bộ phim để lại cho tôi ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc nhất.

dao-dien-phim-040125-1
Đạo diễn Trần Ngọc Phong cùng diễn viên điện ảnh Lý Hùng trong “Đường Hồ Chí Minh Trên Biển” - Ảnh: Thủy Tiên.

*VOH: Việc tìm kiếm những diễn viên để vào vai anh hùng lịch sử, nhất là những vai cần tạo ấn tượng mạnh cho khán giả nước ngoài có những khó khăn gì?

Đạo diễn Trần Ngọc Phong: Diễn viên cho những vai diễn này thì ngoài thần thái, sắc vóc thì quan trọng nhất là phải chọn được diễn viên có thân hình nhỏ nhắn và gầy, điều này khá khó hiện nay đa số diễn viên đều đầu tư nhiều cho thể hình. Trong khi đó, người chiến sĩ cách mạng phải có sự khắc khổ, gầy gò vì họ sống rất gian khó. Bên cạnh đó phải chọn những diễn viên có cách diễn nội tâm sâu sắc. 

Trong năm 2025, tôi được hãng phim Giải Phóng giao làm bộ phim “Đặc công Rừng Sác”, ca ngợi những chiến công rất vĩ đại của các chiến sĩ đặc công rừng Sác.

Việc chọn diễn viên cũng rất khó, vì trong khu rừng Sác thời bấy giờ thiếu thốn đủ điều, nhất là thiếu ăn, người chiến sĩ phải tự bắt cá tôm, đi xin gạo của dân… nên tất cả diễn viên đều phải gầy gò, trong sự gầy gò đó phải có sự mãnh liệt, đôi mắt họ phải rực lên niềm tin vào chiến thắng, vì vậy phải chọn rất kĩ. 

Bộ phim này được Bộ Quốc phòng đầu tư về kinh phí. Quan trọng nhất là các chiến sĩ đặc công ngày xưa họ vẫn còn sống rất nhiều, nên khi xem họ phải công nhận được đây chính là họ ngày xưa. Có như vậy bộ phim mới gọi là thành công.

“Đặc công Rừng Sác” hiện đang trong quá trình chuẩn bị và sẽ phát sóng năm nay, nhân 50 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

*VOH: Thực tế có nhiều phim bị nhận xét có những tình tiết chưa phản ánh đúng lịch sử; ý kiến của anh?

Đạo diễn Trần Ngọc Phong: Đây là điều khá nam giải, nên đạo diễn và biên kịch phải tìm hiểu một cách kỹ càng, nhất là khi nhân vật hoặc bạn bè của họ còn sống, phải hỏi rõ người thân hoặc chính nhân vật đó để biết chính xác thói quen, cách chiến đấu trong rừng chẳng hạn, rồi mới dựa trên những lời kể đó mà nhuận sắc, phóng tác thành phim. 

Những phim về chiến sĩ anh hùng cách mạng Việt Nam không giống những bộ phim Trung Quốc ca ngợi về vua chúa, mà những chiến sĩ của ta ngày xưa sống rất giản dị, họ chiến thắng bằng sự chân chất và giản dị của mình, không hào nhoáng.

Cuộc chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân, những người anh hùng đi ra từ nhân dân, phải nhớ điều đó thì mới làm cho bộ phim có tính xác thực. Đây là điều tôi rất quan tâm.

*VOH: Anh có mong muốn gì dành cho mảng phim lịch sử Việt Nam?

Đạo diễn Trần Ngọc Phong: Tôi không mong gì hơn ngoài việc nhà nước và các cơ quan hữu quan quan tâm hơn mảng phim này. Vừa rồi có phim “Đào, Phở và Piano”, ai cũng nghĩ phim này làm xong chiếu dịp lễ rồi sẽ “cất kho”, tuy nhiên phim đã gây tiếng vang lớn về thể loại chiến tranh chống Pháp. 

Việc quan tâm đến mảng phim này rất quan trọng, vì trên mặt trận văn hóa nghệ thuật của Đảng luôn mong muốn khơi dậy niềm tự hào của khán giả về cuộc chiến rất hào hùng của dân tộc. Vì vậy rất mong sự quan tâm của nhà nước, mỗi bộ phim làm xong nên có chiến dịch quảng bá, chứ nếu làm xong chỉ để chiếu các dịp lễ rồi “cất kho” thì sẽ không có sự lan tỏa.

*VOH: Xin cảm ơn anh.

Bình luận