Họa sĩ Trương Hán Minh - Cây đại thụ làng tranh thủy mặc về trời

Sáng 21/9, giới họa sĩ bàng hoàng nhận tin Nghệ nhân nhân dân Trương Hán Minh qua đời. Ông ra đi để lại khoảng lặng mênh mang trong lòng người mộ điệu và những ai từng làm việc, từng biết đến ông.

Họa sĩ gốc Hoa Trương Hán Minh qua đời vì bệnh ung thư gan, thọ 70 tuổi. Trước đó vài tháng, ông bắt đầu điều trị bệnh và luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.

Tang lễ của Họa sĩ Trương Hán Minh được tổ chức tại nhà riêng: 444, đường Minh Phụng, Phường 9, Quận 11, TP HCM. Sau đó an táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên, TP Thủ Đức.

Trương Hán Minh là một trong những "cây đa cây đề" của làng tranh thủy mặc Việt Nam. Ông sớm bộc lộ niềm đam mê và năng khiếu từ nhỏ, nên dù gia đình không ai xuất thân từ hội họa, ông vẫn quyết tâm tầm sư học đạo. Từ tuổi thiếu niên ông đã thọ giáo danh sư Lương Thiếu Hằng - một bậc thầy dòng tranh thủy mặc Lĩnh Nam, và nhanh chóng thể hiện khả năng nổi trội của mình. Năm 19 – 20 tuổi, tranh của ông đã có mặt trong các triển lãm và sớm có được những giải thưởng về thể loại tranh này. Tính đến năm 2020, tranh của ông đã được trưng bày tại khoảng 70 nước và vùng lãnh thổ như Pháp, Mỹ, Australia, …

Tranh họa sĩ Trương Hán Minh thường được giới hội họa đánh giá không cầu kỳ mà trang nhã, đậm triết lý nhân sinh, thổi hồn hiện đại cho dòng tranh cổ điển này.

Họa sĩ Trương Hán Minh - Cây đại thụ làng tranh thủy mặc về trời 1
Tài năng vượt trội nhưng ấn tượng về người họa sĩ gạo cội này còn là ở cái tâm của người nghệ sĩ luôn hướng về người nghèo. Ảnh: PN

Sở trường của ông là vẽ hoa điểu, sơn thủy và phong cảnh các vùng miền, nhưng họa sĩ Trương Hán Minh đặc biệt dành ngòi bút ưu ái hơn cả cho loài hoa mẫu đơn. Ông nói loại hoa này đem đến cho ông nhiều cung bậc cảm xúc sáng tạo nhất. Vì thế, hoa mẫu đơn xuất hiện trong tranh ông nhiều nhất, với nhiều bút pháp khác nhau vừa sống động, rực rỡ và biến ảo. Gần đây ông dành nhiều thời gian nghiên cứu, dùng nghệ thuật tranh thủy mặc thể hiện và minh họa nhiều bài thơ nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Nhật ký trong tù”.

Họa sĩ Trương Hán Minh - Cây đại thụ làng tranh thủy mặc về trời 2
Một góc tranh tại nhà riêng của ông. Ảnh: PN

Tài năng vượt trội nhưng ấn tượng của nhiều người về người họa sĩ gạo cội này chính là ở cái tâm của ông luôn hướng về người nghèo. Đúng ngày này cách đây 8 năm (ngày 21/9/2013) ông được công nhận kỷ lục châu Á là Họa sĩ vẽ tranh thủy mặc có số lượng tranh được bán đấu giá để làm từ thiện nhiều nhất. Đến thời điểm đó, đã có khoảng 200 bức tranh thủy mặc do chính họa sĩ Trương Hán Minh vẽ được tổ chức bán đấu giá để làm từ thiện. Tranh của ông được đánh giá cao và có mặt trong nhiều bộ sưu tập danh tiếng, nhưng hàng năm, ông đều dành không ít bức vẽ cho việc đấu giá lấy tiền làm thiện nguyện. Đáng chú ý là bức tranh thủy mặc về hoa dài nhất của ông với chủ đề "Phú Quý Trường Xuân" được bán đấu giá với số tiền gần 2 tỷ đồng để giúp trẻ em nghèo khuyết tật. Năm 2006, ông được trao tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; Năm 2013, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Năm 2018, ông được tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân".

Ông Trương Hán Minh là một trong những người sáng lập Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM, có nhiều thành tích, cống hiến đóng góp cho hoạt động sáng tạo, quảng bá văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh. Ông hiện giữ chức vụ: Ủy viên Ban thường vụ Hội Văn Học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam - Ủy viên BTV Hội Văn Học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM - Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ Thuật TPHCM; Hội trưởng Hội Mỹ Thuật người Hoa TPHCM; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ Thuật Quận 5. Ông còn tham gia công tác tại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên UB MTTQ Việt Nam TPHCM.

Có lần VOH phỏng vấn ông, ông nói mong ước lớn nhất đời mình là làm cho tranh thủy mặc Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực. Đến cuối đời, mạch sáng tác dồi dào của họa sĩ Trương Hán Minh vẫn khiến nhiều họa sĩ trẻ ngưỡng mộ. Khoảng trống ông để lại khi về trời, không chỉ là nỗi tiếc thương một tài hoa nhân cách lớn, mà còn là niềm day dứt cho nghệ thuật tranh thủy mặc Việt Nam mất đi một gạch nối trao truyền đáng quý.

Video clip VOH thực hiện về Nghệ nhân nhân dân Trương Hán Minh năm 2020