Lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc qua tà Áo dài Việt

(VOH) -  Ngày 14/3, trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TPHCM lần VI năm 2019, Sở Du lịch phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM và Bảo tàng Áo dài chức tọa đàm:“Chất liệu truyền thống may Áo dài”.

Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu,  nhà thiết kế, giảng viên, sinh viên các trường đại học và công chúng yêu áo dài cùng tham dự.

Câu chuyện về chất liệu và lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc qua tà Áo dài đã được các học giả và chuyên gia chia sẻ để làm rõ hơn hành trình phát triển của tà Áo dài gắn với các chất liệu truyền thống từ những làng nghề dệt, cũng như sự biến đổi của Áo dài theo thời gian để phù hợp với nhịp sống của xã hội.

Khẳng định giá trị của tơ lụa Việt Nam, PGS.TS. Hà Minh Hồng-Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn - Đại học quốc gia TPHCM chia sẻ: “Tơ lụa đã và đang là một trong những loại vải sang trọng nổi bật nhất trong các sản phẩm dệt may ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Lụa Việt Nam có đặc trưng chuẩn riêng là dệt 100% từ tơ tằm, lụa tơ tằm sờ vào rất mềm, mát, không nhăn, khử mùi rất tốt; họa tiết rất truyền thống và đơn giản được dệt chứ không phải họa tiết in.”

“Vải lụa được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như may áo quần, làm chăn ga gối đệm, dùng để sản xuất các vật phẩm trang trí, hội họa, sản xuất những mặt hàng thủ công, sản xuất ra loại chỉ không hấp thụ dùng trong phẫu thuật y khoa, thậm chí còn dùng để làm mạch máu nhân tạo,... Nhưng có lẽ, sản phẩm được tạo ra từ lụa tơ tằm gây ấn tượng hơn cả là áo quần, nhất là áo dài lụa”.

Các diễn gia chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Các diễn gia chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Còn Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thuận cho rằng:“Những tà Áo dài lụa đã tạo nên hình ảnh thướt tha, ấn tượng, tạo được nét đặc trưng văn hóa Việt. Áo dài lụa trước đây chỉ dùng trong giới quý tộc, thượng lưu, nhưng ngày nay đối tượng sử dụng lụa để may trang phục Áo dài ngày càng mở rộng ra, không chỉ trong nước mà cả nhiều nơi trên thế giới… Chính các nhà thiết kế góp phần đắc lực để tôn vinh giá trị Lụa Việt và đưa nó ra thế giới một cách dễ dàng và nhẹ nhàng nhất, hiệu quả nhất thông qua những bộ sưu tập thiết kế thời trang Áo dài Lụa Việt.”

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng đã thẳng thắn trao đổi về những thuận lợi và khó khăn để tiếp tục giữ gìn chiếc Áo dài truyền thống và vải lụa truyền thống như sự sống còn của các làng nghề dệt truyền thống từ Bắc vào Nam, cách lựa chọn chất liệu vải, họa tiết, kiểu dáng Áo dài, giải pháp để tiếp tục lan tỏa tình yêu đối với chiếc Áo dài trong giới trẻ... Từ đó, hướng đến mục tiêu bổ sung tư liệu, hồ sơ công nhận nghề may Áo Dài là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam trong tương lai gần.

Đặc biệt,  đối với đơn vị quản lý Bảo tàng Áo dài, từ tọa đàm sẽ có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về chất liệu truyền thống và vai trò của chất liệu trong kỹ thuật cắt may Áo dài. Qua đó, công chúng chắc chắn sẽ hiểu rõ hơn, trân trọng và góp phần thiết thực hơn trong công tác bảo tồn Áo dài như một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.

Lễ hội ẩm thực Pháp diễn ra tại TPHCM vào ngày 21/3 - Lễ hội ẩm thực Pháp sẽ chính thức diễn ra vào ngày 21/3 tại Dinh thự Pháp TPHCM.
Scandal Seungri: Văn hóa fan và 'tín ngưỡng Idol' một lần nữa trở thành vấn đề cần nhìn nhận - Trong nhiều năm qua, một vấn đề tuy chưa phát triển đến mức nghiêm trọng nhưng lại đang lan rộng mỗi ngày đó chính là nạn sống ảo, fan cuồng và sự xuất hiện của tôn giáo mới mang tên ...