Chờ...

Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 cần nhớ những điều này

(VOH) - Rằm tháng 7, người dân thường làm mâm cơm, trước là để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, sau đó là cúng cho những vong hồn chưa được siêu thoát.

Mâm cỗ cúng Rằm tháng Bảy, ngoài các món truyền thống như gà luộc, xôi đỗ xanh, giò lụa, nem, canh miến mọc… các bà nội trợ có thể làm thêm món nộm hoa chuối hoặc nộm rau thập cẩm.

Mâm cúng gia tiên thường là mâm cỗ mặn, kèm theo tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng như quần áo, giày dép...

Các gia đình cũng đừng quá câu nệ phải tuân thủ theo mâm cỗ truyền thống mà có thể chọn thực phẩm theo mùa, chế biến món ăn phù hợp khẩu vị với gia đình mình. Đặc biệt các bà nội trợ cần tính toán làm mâm cơm mà chi phí phù hợp với hoàn cảnh, tránh lãng phí.

Để cúng chúng sinh, người ta hay thắp hương, đèn (hoặc nến); gạo, muối, nước lã là những đồ cúng thô hầu như luôn có, kèm theo là các món như bánh kẹo, trái cây, mía, bỏng ngô…. Một món đặc biệt hay gặp trong mâm cỗ cúng cô hồn là món cháo loãng, người ta tin rằng món này dành cho những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp không thể nuốt được thức ăn thông thường.

Mâm lễ cúng cô hồn nên cúng hoàn toàn bằng đồ chay để không khơi dậy “tham, sân, si”.

Mâm cỗ cúng rằm tháng 7, cúng gia tiên

Hình minh họa: internet

Buổi cúng thường kết thúc với việc vãi gạo, muối ra sân, ra đường và đốt vàng mã. Ở vài nơi, người ta cho phép trẻ con cướp (cỗ) cô hồn khi việc cúng được tiến hành xong.

Thời gian cúng có thể từ mùng 1 - ngày 15 tháng 7 Âm lịch. Theo đó, dịp cúng cô hồn lớn nhất là ngày Rằm tháng 7. Ngày 15/7 Âm lịch cũng chính là ngày lễ Vu Lan của Phật giáo, các gia đình thường lên chùa làm lễ để tỏ lòng báo hiếu, biết ơn cha mẹ. Người ta quan niệm rằng, nên làm lễ cúng cô hồn vào buổi chiều tối.

Truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến rằm tháng 7 thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra tứ phương. Đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngụcĐối với tâm linh của người Việt, con người bao gồm hai phần: phần xác và phần hồn. Khi phần xác mất đi thì phần hồn vẫn còn tồn tại ở đâu đó mà ta không thể nhìn thấy, không sờ thấy cũng không thể ngửi thấy nhưng lại luôn tin là nó tồn tại. Ngày rằm tháng 7 hay còn được gọi là ngày lễ xá tội vong nhân, các gia đình người Việt thường chuẩn bị những mâm cơm cúng lễ đến Phật (đối với những gia đình theo đạo Phật), cúng ông bà tổ tiên, và mâm cúng chúng sinh.