Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Nhìn lại 100 năm sân khấu cải lương giá trị nghệ thuật, những bất cập và giải pháp

(VOH) - Tọa đàm “Nhìn lại 100 năm sân khấu cải lương giá trị nghệ thuật, những bất cập và giải pháp” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức khai mạc vào sáng 27/12.

Nhiều ý kiến tâm huyết với nghệ thuật cải lương được nêu tại tọa đàm khẳng định tầm quan trọng của cải lương trong 100 năm qua và những thách thức của nghệ thuật cải lương hiện nay.

Với gần 60 bài tham luận và nhiều ý kiến chia sẻ tại tọa đàm, đã nêu trăn trở về thực trạng sân khấu cải lương hôm nay và nêu những ý kiến, kiến nghị và giải pháp mang tính định hướng, chiến lược thúc đẩy sự phát triển của sân khấu cải lương trong giai đoạn mới.

Nâng cấp nhà hát

Tâm huyết với vấn đề hiện nay là thiếu nhà hát thực thụ dành cho sân khấu cải lương, Nghệ sĩưu tú Kim Tử Long mong muốn lãnh đạo cần quan tâm hơn nữa để đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà hát dành riêng cho sân khấu cải lương, để nghệ sĩ có nơi để biểu diễn. Điều này đóng vai trò quan trọng để vực dậy sân khấu cải lương. "Nhà nước, Ủy ban giúp cho sân khấu cải lương có được rạp, bỏ tiền vào đó sửa chữa, để chúng tôi có nhà hát để hoạt động, nhà nước không cần bỏ tiền để tạo tác phẩm, mà chúng tôi là những người xã hội hóa, tìm chi phí tạo tác phẩm", Nghệ sĩ ưu tú Kim Tử Long Tôi xin kiến nghị.

Nhìn lại 100 năm sân khấu cải lương giá trị nghệ thuật, những bất cập và giải pháp

Nghệ sĩ ưu tú Kim Tử Long phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề

Nói đến cải lương, khán giả thường hay nhớ đến diễn viên, nội dung vở diễn, nhưng “âm nhạc là linh hồn của cải lương”, do vậy theo nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng không thể phủ nhận vai trò của âm nhạc trong cải lương khi âm nhạc đóng vai trò nâng đỡ giọng ca của các vai diễn. Do đó cần phải quan tâm và cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho các nghệ nhân và kế hoạch đầu tư để đào tạo những đội ngũ kế thừa, giúp cho cải lương vẫn giữ được sự thu hút từ kịch bản đến lối ca diễn và sự thu hút từ âm nhạc, góp phần làm cho cải lương xứng đáng là một sự lựa chọn của khán giả trong thời đại công nghệ nghe nhìn hiện nay.

Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng cho rằng nhạc công ngày càng lớn tuổi, và những nhạc công trẻ không có bằng cấp vì không có trường đào tạo, thứ hai không được coi trọng xứng đáng và thứ ba không có sự hỗ trợ của cộng đồng.

Nêu ý kiến tại buổi tọa đàm để phát triển nghệ thuật cải lương hiện nay, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên cho rằng bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, thì cần có không gian để nghệ sĩ cải lương biểu diễn. Bên cạnh đó, cần quan tâm chú trọng đến khán giả, thu hút khán giả đến với cải lương nhiều hơn.

Nhìn lại 100 năm sân khấu cải lương giá trị nghệ thuật, những bất cập và giải pháp

Toàn cảnh tọa đàm

Cần được nhà nước bảo trợ

Tổng kết tọa đàm, bà Thân Thị Thư - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, nhìn nhận: Qua buổi tọa đàm thấy được giá trị nghệ thuật, thành tựu của nghệ thuật cải lương trong suốt 100 năm qua. Bên cạnh giá trị về thành tựu, nhìn sâu sắc những khó khăn, bất cập đó là cải lương đang chịu sự tác động to lớn của xu hướng toàn cầu hóa, cơ chế thị trường và sự bùng nổ công nghệ thông tin, công nghệ giải trí.

Bên cạnh đó, cải lương đang thiếu nguồn nhân lực, khan hiếm kịch bản văn học, tác phẩm hay, chính sách dành cho văn hóa, văn học nghệ thuật bất cập, không theo kịp tình hình phát triển của kinh tế thị trường. Nhiều ý kiến đề cập các nhóm giải pháp nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn trong môi trường nghệ thuật, cải thiện cơ chế, chính sách đối với nghệ thuật cải lương, xây dựng môi trường hoạt động văn hóa nghệ thuật trong đó chú trọng trang bị cơ sở vật chất phù hợp đáp ứng hoạt động sáng tạo nghệ thuật cải lương, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong ngành đạo diễn cải lương.

"Hướng tới mục đích xây dựng bộ mặt mới cho sân khấu cải lương trong giai đoạn sắp tới cần có sự chuyển động đồng bộ của các thành tố góp phần vào sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật cải lương. Nhìn lại 100 năm sân khấu cải lương hình thành và phát triển, nhận thức về các giá trị tư tưởng, nghệ thuật, xã hội và nhân văn để cùng thống nhất với nhau là cải lương xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể và cần được nhà nước bảo trợ bằng nhiều hình thức. Tôi nghĩ rằng qua tọa đàm này, với hy vọng chúng ta mong muốn nhân dịp này ngồi lại cùng mổ xẻ, đề xuất thì các cơ quan Bộ ngành, sở ngành có liên quan , hy vọng có chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới", bà Thân Thị Thư phát biểu.

Bà Thân Thị Thư phát biểu tổng kết tọa đàm

Bình luận