Đây được xem là ngày hội của nghệ thuật cải lương quy tụ nhiều tài năng biểu diễn, dàn dựng, biên kịch đến từ các đơn vị nghệ thuật cải lương trên cả nước.
Năm nay, ngoài các đơn vị nghệ thuật công lập, Ban tổ chức mở rộng quy chế thi, hỗ trợ các đơn vị cải lương xã hội hóa cùng tham gia liên hoan. Thời điểm hiện tại, các đơn vị đang gấp rút hoàn thiện những giai đoạn còn lại của vở diễn để chuẩn bị bước vào mùa liên hoan.
Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc là hoạt động nghệ thuật định kỳ 3 năm một lần của ngành cải lương. Năm nay không khí chuẩn bị cho liên hoan có phần rôm rả và nhộn nhịp hơn.
Theo thông tin từ Ban tổ chức cuộc thi, có khoảng 25 đơn vị với gần 30 vở diễn đã đăng ký dự thi. Một số đơn vị đã chuẩn bị vở diễn nhưng chưa quyết định có dự thi vì đã có những kế hoạch cho “live show” hoặc nhận lời làm một số chương trình biểu diễn từ trước.
Tuy nhiên, với con số hiện tại thì đã quá ấn tượng và phấn khởi cho một kỳ liên hoan. Sự mở rộng và không hạn chế đề tài, liên hoan năm nay hứa hẹn sẽ bùng nổ với nhiều câu chuyện mới lạ hấp dẫn.
Khán giả đặc biệt quan tâm với Đoàn nghệ thuật cải lương Long An vì đây là lần đầu tiên Long An đăng cai một kỳ liên hoan lớn. Trong những ngày giới sân khấu đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương nên việc tổ chức liên hoan tại đây đặc biệt có ý nghĩa, vì mảnh đất này đang đặt bày vị của nhạc sư Nguyễn Quang Đại, một vị hậu tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, ông đã góp phần hình thành củng cố và phát triển 20 bản tổ nhạc tài tử.
Bên cạnh niềm vinh dự đăng cai một kỳ liên hoan cấp quốc gia thì áp lực cũng không nhỏ, Long An sẽ mang tình đất, tình người Long An đến với liên hoan qua kịch bản “Cuộc đời của mẹ”, một tác phẩm được đặt viết riêng cho ngày hội này. Câu chuyện mong tạo được những dấu ấn riêng với đồng nghiệp và khán giả cả nước.
Nghệ sĩ Hùng Dũng - Trưởng Đoàn nghệ thuật cải lương Long An - chia sẻ, lần đầu tiên Long An đăng cai tổ chức liên hoan sân khấu cải lương. Đây cũng là 1 áp lực, nhưng sau đó lại là một niềm vui, vinh dự hết sức lớn lao đối với 1 địa phương được đăng cai 1 kỳ liên hoan lớn.
Đặc biệt Long An cũng có thể được xem là cái nôi của đờn ca tài tử.
“Chúng tôi cũng mong muốn các đơn vị nghệ thuật ngoài việc tham gia thi thố tài năng thì sẽ sắp xếp thời gian để tham quan di tích lịch sử nổi tiếng của Long An”, ông Dũng mời gọi.
Với truyền thống và uy tín của một trong những đơn vị cải lương lớn nhất phía Nam, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang luôn tạo được sức hút và sự quan tâm lớn từ công chúng trong mỗi kỳ liên hoan. Đây cũng là đơn vị đang sở hữu nhiều tài danh với 3 đoàn hoạt động vô cùng sôi nổi.
Kỳ liên hoan năm nay, nhà hát lần đầu tiên để các nghệ sĩ trẻ thử sức với các tuyến nhân vật chính, riêng các nghệ sĩ gạo cội sẽ đảm nhận vai trò dàn bao để các em được thỏa sức sáng tạo và tỏa sáng với tài năng của mình.
Ba kịch bản mang 3 màu sắc khác nhau: “Hiu hiu gió bấc”, “Tình yêu thời chiến” và “Ngày ấy họ đều còn trẻ” là thử thách mà Nhà hát Trần Hữu Trang dành cho các nghệ sĩ của mình tại kỳ liên hoan này.
Đạo diễn Phan Quốc Kiệt – Phó Giám đốc nhà hát hy vọng đây sẽ là cơ hội tốt để các nghệ sĩ học hỏi được nhiều kinh nghiệm diễn xuất. Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đang trong giai đoạn chuẩn bị ráo riết cho kỳ liên hoan, ngày hội lớn của ngành sân khấu cả nước.
“Do điều kiện xa xôi nên anh em nghệ sĩ không có điều kiện gặp gỡ nhau, đến với hội diễn để anh em gặp gỡ nhau, chia sẻ nghề nghiệp, chúc cho nhau luôn cố gắng bám nghề, giữ vững hoạt động sân khấu cải lương cả nước”, đạo diễn Phan Quốc Kiệt cho biết.
Cảnh trong vở Hiu hiu gió bấc của Nhà hát Trần Hữu Trang.
Một đơn vị nghệ thuật mạnh của khu vực miền Đông Nam bộ luôn có duyên với các kỳ liên hoan hội diễn, liên tiếp đạt được nhiều giải thưởng lớn toàn đoàn đó là Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai. Năm nay nhà hát tham gia liên hoan với 2 kịch bản: “Hồi sinh” và “Anh hùng di hận”.
NSUT Quế Anh – Phó Giám đốc nhà hát cho biết đây là lần đầu tiên nhà hát thử sức ở đề tài mới về y học nên luôn cố gắng để vở diễn mang đậm chất trữ tình sâu lắng vốn có của loại hình này chứ không khô khan hô hào khẩu hiệu.
Nghệ sĩ Quế Anh mong muốn, khi tham dự kỳ liên hoan, giải thưởng nếu có là một điều quý cho tập thể và anh em nghệ sĩ nhưng không đặt vấn đề này hàng đầu.
“Chúng tôi chủ yếu tạo cơ hội cho các em trẻ học tập kinh nghiệm. Mục tiêu lớn hơn của chúng tôi là xây dựng vở diễn để phục vụ nhân dân”, nghệ sĩ Quế Anh cho biết.
Vở Người đồng bằng của Đoàn Văn công Đồng Tháp.
Khu vực Tây Nam bộ nơi tập trung nhiều đoàn cải lương lớn cũng đang chuẩn bị ráo riết cho kỳ liên hoan năm nay, 1 trong những đơn vị mạnh của khu vực này phải kể đến đoàn Văn công Đồng Tháp.
Chọn kịch bản về đề tài nông thôn mới là một thử thách không nhỏ trong dàn dựng và diễn xuất, vì nếu không khéo sẽ dễ thành kiểu tuyên truyền khô cứng, mất đi tính mượt mà, trữ tình. Tuy nhiên, như chia sẻ từ nghệ sĩ Kim Oanh - Phó trưởng đoàn Văn công Đồng Tháp, với sự đầu tư chỉnh chu và sức trẻ của các diễn viên – mong rằng sẽ mang đến 1 gia vị thật đặc biệt, đủ sức lôi cuốn hấp dẫn khán giả chứ không đặt nặng vấn đề về 1 giải thưởng nào đó.“
Giai đoạn này chúng tôi đang hoàn thiện vở diễn để tham dự liên hoan cùng anh em, năm nay chúng tôi chọn kịch bản về đề tài nông thôn mới… khẳng đinh truyền thống 1 đoàn cải lương có bề dày 60 năm luôn nô nức mỗi kỳ liên hoan, hội diễn”, nghệ sĩ Kim Oanh cho biết.
Nhà hát cải lương Việt Nam – một đơn vị cải lương rất mạnh ở phía Bắc trở lại liên hoan trong 2 kịch bản: “Ngạ quỷ” và “Chiếc áo thiên nga”. Đạo diễn – NSUT Triệu Trung Kiên – Phó Giám đốc nhà hát cải lương Việt Nam – một đạo diễn tài năng với bề dày thành tích tại các mùa liên hoan kỳ vọng sẽ có một kỳ liên hoan với nhiều bài học nghề bổ ích từ các anh chị em đồng nghệp. Anh chia sẻ, đến với hội diễn lúc nào cũng có cảm giác bồi hồi, rất quan trọng nhưng cũng rất hạnh phúc vì anh em gặp nhau, trao đổi.
“Thông qua hội diễn này có được có được tiếng nói đồng nhất để tìm ra định hướng phát triển chung cho sân khấu cải lương. Có lẽ đó là niềm khao khát lớn nhất ở thời điểm này của các nghệ sĩ.”, đạo diễn – NSUT Triệu Trung Kiên nói.
Vở “Ngạ quỷ”
Kịch bản “Tổ quốc nơi cuối con đường”, kịch bản mới toanh được Trường Đại học sân khấu điện ảnh đặt hàng riêng để tham dự liên hoan là ẩn số của ngày hội năm nay. Vở diễn quy tụ đến 100 diễn viên cho toàn bộ tuyến nhân vật.
Cũng như mọi kỳ liên hoan, trường đại học sân khấu điện ảnh luôn mang đến nhiều sáng tạo độc đáo, khẳng định uy tín của 1 ngôi trường góp phần đào tạo nhiều tài danh sân khấu.
Đạo diễn – thạc sĩ Lê Nguyên Đạt – đạo diễn và là chủ nhiệm của đơn vị này kỳ vọng, các nghệ sĩ sẽ tham dự hết mùa liên hoan để xem, học tập hết cái hay cái đẹp của nhau, sự chỉnh chu, triết lí của cải lương miền bắc, sự phóng khoáng trong ca từ của cải lương miền Nam.
“Chúng ta bổ sung cho nhau, xích lại gần nhau và cải lương sẽ ngày càng phát triển, đó là điều mà tôi chờ đợi để bước vào liên hoan”, Thạc sĩ Đạo diễn Lê Nguyên Đạt nói.
Vở Rạng ngọc Côn Sơn.
Điểm mới đáng chú ý nhất của liên hoan năm nay là khuyến khích các đơn vị xã hội hóa tham gia dự thi. Theo đó các đơn vị sẽ thi tại đơn vị của mình mà không cần biểu diễn dự thi tại địa diểm của đơn vị đăng cai.
Điều này sẽ giúp các đơn vị xã hội hóa an tâm hơn khi đến với sân chơi lớn này.
Sân khấu của nghệ sĩ Kim Tử Long trở lại liên hoan sau hơn 10 năm vắng bóng tại các kỳ liên hoan hội diễn với kịch bản “Rạng Ngọc Côn Sơn”. Nghệ sĩ phấn khởi chia sẻ: “Các chương trình xã hội hóa thì rất hiếm hoi, năm nay được sự mở rộng của ban tổ chức cho các chương trình xã hội hóa tham gia, đó là 1 tín hiệu tốt, tạo nên sức lan tỏa cho sân khấu cải lương.
Làm sao để càng ngày càng nhiều vở diễn hơn. Năm nay liên hoan lại rơi vào đúng dịp 100 năm sân khấu cải lương. Kim Tử Long mạnh dạn đầu tư 1 vở diễn để vừa chào mừng, vừa tham dự liên hoan”.
Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc 2018 sẽ diễn ra từ ngày 5/9 đến ngày 19/9/2018 tại Nhà hát cải lương Long An - Thành phố Tân An – Tỉnh Long An. Khoảng 2 tuần nữa, mùa liên hoan sẽ bắt đầu, không khí luyện tập tại các đơn vị lúc này đang nhộn nhịp hơn lúc nào hết.